Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) đưa ra tuyên bố trên sau một số bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 kém hiệu quả hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và chuyển nặng. Thành viên của ACIP là các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, miễn dịch và sức khỏe cộng đồng, có nhiệm vụ tư vấn chuyên môn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Theo CDC, khoảng 2,7% người trưởng thành nước này bị suy giảm miễn dịch. Đây là các bệnh nhân từng ghép tạng, sống sót sau ung thư hoặc người nhiễm HIV. Cơ thể họ ít nhạy cảm hơn đối với vaccine.
Theo các bác sĩ, người được ghép thận thường phải uống một loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh. Nhóm này ít có khả năng phát triển kháng thể chống nCoV sau tiêm vaccine nhất. Trong các nghiên cứu trước đây, khoảng một phần ba đến một nửa bệnh nhân không có phản ứng miễn dịch sau hai liều vaccine RNA. Liều thứ ba mới đủ để kích thích kháng thể của họ, CDC cho biết.
Pháp và Israel đã cho phép người bị suy giảm miễn dịch tiêm liều vaccine tăng cường. Anh xem xét làm điều tương tự.
Hiện ACIP chưa đề xuất tiêm vaccine bổ sung cho các nhóm cộng đồng cụ thể vì một số trở ngại trong quy định phê duyệt khẩn cấp. Ban hội thẩm cần chờ đợi vaccine được chấp thuận hoàn toàn hoặc yêu cầu cơ quan quản lý sửa đổi giấy phép.
Grace Lee, thành viên ACIP, chuyên gia truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Stanford, cho biết hội đồng có đủ dữ liệu đề khuyến nghị liều bổ sung ngay khi vaccine được chấp thuận hoàn toàn.
Tiến sĩ Pablo Sanchez, khoa nhi Đại học Ohio, nhận định: "Nhóm cộng đồng này muốn được tiêm phòng. Họ không do dự với vaccine và chúng ta nên thúc đẩy điều đó".
Liều vaccine Covid-19 tăng cường đã trở thành chủ đề gây tranh cãi kể từ khi giới chuyên gia phát hiện một số người vẫn mắc bệnh dù đã tiêm chủng. Các nhà khoa học đưa ra nhiều giả thuyết, song chưa có câu trả lời cụ thể. Viện Y tế Quốc gia gần đây thông báo khởi động một thử nghiệm lâm sàng với với những người đã tiêm chủng đầy đủ để xem kháng thể của họ duy trì bao lâu.
Thông thường, các mầm bệnh khác nhau ảnh hưởng đến hệ miễn dịch theo cách riêng biệt. Đối với một số bệnh, chẳng hạn sởi, kháng thể duy trì suốt đời chỉ sau một lần lây nhiễm. Ở những mầm bệnh khác, miễn dịch suy yếu theo thời gian.
Vaccine mô phỏng quá trình nhiễm bệnh tự nhiên. Vaccine sởi chỉ cần tiêm một liều, tạo kháng thể suốt đời. Vaccine uốn ván mất dần hiệu quả sau nhiều năm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tiêm nhắc lại uốn ván 10 năm một lần.
Bên cạnh đó, virus liên tục thay đổi, người dùng đôi khi cần thêm liều tăng cường để tạo lớp phòng thủ mới. Nhiều loại virus dễ đột biến cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Thục Linh (Theo WSJ)