Mỹ duy trì kho dự trữ tại Israel để phục vụ cho các lực lượng của họ hoạt động tại Trung Đông, đồng thời cho phép nước sở tại sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Israel ngày 18/1 cho biết Lầu Năm Góc đang rút các kho dự trữ tại quốc gia Trung Đông nhằm "đáp ứng nhu cầu cấp bách về đạn pháo" của Ukraine trong giao tranh với Nga.
Phương Tây nhận định xung đột Nga - Ukraine trở thành cuộc chiến tiêu hao của pháo binh, trong đó các bên tham chiến khai hỏa hàng nghìn quả đạn mỗi ngày. Ukraine đã cạn kho đạn cho vũ khí từ thời Liên Xô, chủ yếu chuyển sang sử dụng pháo và đạn do Mỹ cùng đồng minh phương Tây viện trợ.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá pháo binh là xương sống hỏa lực tác chiến của cả Nga và Ukraine, kết quả chiến sự có thể phụ thuộc vào việc bên nào hết đạn trước.
Với tình trạng kho đạn chịu áp lực cung ứng và các hãng sản xuất không thể theo kịp tốc độ của diễn biến chiến sự ở Ukraine, Lầu Năm Góc chuyển sang hai nguồn cung đạn pháo để thu hẹp khoảng cách, một ở Hàn Quốc và một ở Israel.
Vận chuyển hàng trăm nghìn quả đạn pháo từ hai kho dự trữ để giúp duy trì hoạt động tác chiến của Ukraine được đánh giá là vấn đề mang tính nhạy cảm ngoại giao đối với hai đồng minh quan trọng của Mỹ, các bên công khai tuyên bố không gửi hỗ trợ quân sự sát thương cho Ukraine.
Israel liên tục từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine do sợ làm tổn hại quan hệ với Nga. Israel ban đầu bày tỏ lo ngại về khả năng bị coi là tham gia viện trợ quân sự cho Ukraine khi Lầu Năm Góc rút vũ khí từ kho dự trữ tại đây.
Các quan chức Israel và Mỹ cho biết khoảng một nửa trong số 300.000 quả đạn dành cho Ukraine đã được chuyển tới châu Âu, sau đó có thể quá cảnh qua Ba Lan.
Trước khi các quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao từ hàng chục quốc gia, trong đó có các thành viên NATO, chuẩn bị gặp nhau tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức ngày 20/1 để thảo luận về gửi thêm xe tăng và vũ khí khác cho Ukraine, các quan chức Mỹ hối hả tìm kiếm đủ đạn pháo để cung cấp đủ cho Ukraine trong năm nay.
"Khi tiền tuyến đang chủ yếu ổn định, pháo trở thành vũ khí tác chiến quan trọng nhất", Mark F. Cancian, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington, nhận định trong một báo cáo mới được công bố.
Trong phân tích được công bố tháng 12/2022, CSIS nhận định nếu Ukraine tiếp tục nhận nguồn cung ổn định, đặc biệt là pháo và phụ tùng thay thế, họ sẽ có cơ hội tốt hơn để tái kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây bày tỏ hoài nghi những lợi thế này "có đủ để lực lượng Ukraine tái kiểm soát các khu vực mà lực lượng Nga đang phòng thủ hay không".
Trong khi đó, Nga kêu gọi phương Tây ngừng bơm vũ khí cho Ukraine, nhận định viện trợ liên tục chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho dân nước này, thay vì làm thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố "tiềm năng và năng lực quân sự của gần như toàn bộ thành viên NATO đang được sử dụng tích cực để chống lại Nga". Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhận định Nga không chỉ đối đầu với lực lượng Ukraine mà còn cả "toàn bộ tập thể phương Tây".
Nguyễn Tiến (Theo Fox News)