Dữ liệu trên trang theo dõi máy bay Aircraft Spots tuần trước cho thấy 5 oanh tạc cơ chiến lược B-52H rời sân bay quân sự Andersen trên đảo Guam để trở về căn cứ Minot ở bang Bắc Dakota, nhưng không có phi đội B-52 nào tới thay thế. Sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau đợt diễn tập "Voi đi bộ" để phô diễn sức mạnh và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu tại sân bay Andersen.
Đây là lần đầu tiên trong 16 năm qua quân đội Mỹ không triển khai bất cứ oanh tạc cơ nào trên đảo Guam. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không đưa ra lời giải thích cho động thái này.
Phát ngôn viên Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ Kate Atanasoff cho biết các oanh tạc cơ Mỹ sẽ tiếp tục "hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ nhiều căn cứ ở hải ngoại hơn, theo thời gian biểu do chúng tôi lựa chọn".
Atanasoff khẳng định việc rút oanh tạc cơ B-52H khỏi Guam phù hợp với Chiến lược Phòng thủ Quốc gia mới, cũng như phương án "Triển khai Lực lượng Linh hoạt", trong đó quyết định điều chuyển lực lượng được Lầu Năm Góc đưa ra một cách nhanh chóng, không báo trước để gây bất ngờ cho đối phương.
Lầu Năm Góc thực thi nhiệm vụ mang tên "Duy trì hiện diện Oanh tạc cơ Liên tục" (CBP) từ năm 2004, trong đó một phi đoàn B-52H luôn có mặt trên đảo Guam nhằm hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, cũng như bảo đảm gây áp lực liên tục với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2018 đề ra chiến lược mới, tập trung vào cạnh tranh với các cường quốc như Nga và Trung Quốc thay vì các tổ chức khủng bố. Quan hệ Washington - Bình Nhưỡng cũng đã được cải thiện đáng kể sau hai cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Vũ Anh (Theo Sputnik)