Số ca mắc và nhập viện tại Mỹ đang tăng trở lại, song vẫn ở mức thấp. Bệnh nhân tập trung ở khu vực trung tâm, phía nam và phía tây. Biến thể Delta dễ lây lan, hiện chiếm phần lớn số ca nhiễm mới. Song vì vaccine đủ hiệu quả chống triệu chứng nghiêm trọng, số trường hợp nhập viện chủ yếu tăng lên ở những nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Chuyên gia y tế công cộng cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn, đưa khu vực đã và chưa tiêm chủng rẽ hai hướng hoàn toàn riêng biệt. Khi gần một nửa dân số đã nhận đủ hai liều vaccine, tình hình dịch tễ giữa các bang cũng rất khác nhau. Một số trở lại cuộc sống bình thường, số khác vẫn cần có hạn chế đề ngăn ngừa Delta lây lan.
Tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 tăng mạnh trong hai tuần qua ở những bang có mức tiêm chủng thấp như Arkansas, Mississippi và Missouri.
"Hãy nhớ nếu không chủng ngừa, bạn vẫn sẽ nhiễm bệnh, đặc biệt có nguy cơ chuyển nặng và tử vong", Tiến sĩ Rochelle P. Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phát biểu trong cuộc họp báo tuần trước.
Ở Mississippi, nơi chỉ 34% dân số đã tiêm hai liều vaccine, số ca nhiễm và nhập viện đều gia tăng. Giới chức khu vực khuyến cáo người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính nên tránh các cuộc tụ tập đông người đến hết ngày 26/7.
Tiến sĩ Thomas Dobbs, quan chức y tế bang, cho biết: "Chúng tôi đã dự đoán từ tuần trước rằng biến thể sẽ thành chủng trội lưu hành ở Mississippi. Thật đáng buồn, điều đó thành hiện thực. Chúng ta bắt đầu phải trả giá cho nó". Ông chỉ ra rằng đợt bùng phát tập trung ở người trẻ, trong các cuộc tụ tập mùa hè hoặc giữa người lớn tuổi ở viện dưỡng lão.
"Chương trình tiêm chủng chậm khiến tất cả gặp rủi ro, đặc biệt là người yếu thế", ông nói thêm.
Thông thường, nhân viên y tế phải gửi mẫu dương tính đến phòng thí nghiệm để giải trình tự nếu muốn biết bệnh nhân có nhiễm biến thể hay không. Quá trình này mất vài tuần. Dữ liệu về biến thể từ đó chậm theo, không phản ánh đủ tình hình trong thời gian thực. Song các nhà nghiên cứu ước tính số ca mắc mới tại nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao ít hơn đáng kể so với khu vực tiêm chủng chậm chạp. Ngay cả khi biến thể Delta chiếm ưu thế ở các bang, xu hướng này không đổi, theo Scripps Research.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng biến thể Delta sẽ lan nhanh ở những nơi nó lưu hành lâu hơn. Mức độ tiêm chủng không đồng đều của các nước dẫn đến kết quả rất khác biệt.
Tại Ấn Độ, nơi biến thể xuất hiện lần đầu, Delta gây ra đợt bùng phát lớn. Nước này phát hiện nhiều bệnh nhân khi dân số được tiêm hai liều vaccine chưa đến 1%. Bệnh viện quá tải, hàng nghìn người không có giường, nguồn cung oxy cạn kiệt và các lò hoả táng đỏ lửa suốt đêm.
Tuy nhiên, tại Anh, khi biến thể Delta chiếm ưu thế, phần lớn dân số đã tiêm chủng. Số ca nhiễm tăng lên nhưng lượng người nhập viện và tử vong vẫn ở mức thấp so với đỉnh dịch trước đó. Đặc biệt, Anh ưu tiên tiêm phòng cho người cao tuổi và có bệnh nền.
Ở Mỹ, số người chết vẫn thấp. Song chiến dịch tiêm chủng giảm tốc gây lo ngại. Giới chức khó thuyết phục người trẻ tiêm vaccine, song chính quyền Joe Biden đang nỗ lực hết mình để nâng cao nhận thức của nhóm dân số này. Họ chiêu mộ các ngôi sao nổi tiếng, gần đây nhất là nữ ca sĩ Olivia Rodrigo, để chia sẻ thông điệp ủng hộ vaccine.
Giới nghiên cứu chưa rõ số ca nhập viện ở Mỹ sẽ tăng đến đâu. Hiện 80% người trên 65 tuổi đã tiêm hai liều vaccine. Song người trẻ hầu hết chưa chủng ngừa.
"Dựa trên tình hình ở Anh, chúng tôi hy vọng tỷ lệ nhập viện sẽ thấp hơn các đợt bùng phát trước. Nhưng nó vẫn đáng kể, trừ khi chúng ta hạn chế lây nhiễm", Karthik Gangavarapu, nhà khoa học tại Scripps Research, nhận định.
Đến nay, dữ liệu cho thấy vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson hiệu quả cao với biến thể Delta, đặc biệt trong ngăn ngừa bệnh chuyển nặng hoặc tử vong. Gần 60% người trưởng thành Mỹ đã tiêm hai mũi vaccine, song tỷ lệ này trên tổng dân số chưa đến 50%.
"Chúng ta đã đi được chặng đường dài trong cuộc chiến chống dịch", Jeffrey D. Zient, điều phối viên ứng phó Covid-19 của chính phủ, cho biết.
Giữa tháng 5, khi dịch bệnh hạ nhiệt, CDC cho phép người đã tiêm phòng đầy đủ bỏ khẩu trang nơi công cộng. Ca dương tính tăng lại, người Mỹ hoang mang giữa nhiều thông điệp y tế. Khuyến nghị của chính quyền địa phương đôi khi khác với hướng dẫn của CDC. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây lặp lại cảnh báo: ngay cả người đã tiêm chủng vẫn cần đeo khẩu trang để tránh biến thể Delta.
Song CDC không thay đổi quyết định. Tiến sĩ Walensky lưu ý về tầm nhìn toàn cầu của WHO, bao gồm cả những nước với chương trình tiêm chủng chậm chạp hoặc chưa có vaccine.
Tuần trước, Los Angeles khôi phục quy định đeo khẩu trang trong nhà, dù đã tiêm chủng. Bà Walensky chỉ ra các thông điệp không nhất quán, cho rằng "quyền đưa ra chỉ thị thuộc về cấp địa phương".
"Nếu bạn sống ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và nguy cơ lây nhiễm cao, giới chức có thể cân nhắc việc đeo khẩu trang nếu nó có ích cho cộng đồng", bà nói thêm.
Thị trưởng New York Bill de Blasio chưa có kế hoạch yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại. Ông cũng cho rằng động thái này là không cần thiết. Thành phố gần đây báo cáo 400 ca nhiễm mỗi ngày, tăng từ mức 200 trong vài tuần trước. Giới chức y tế tập trung vào số người nhập viện, cho biết tỷ lệ này vẫn tương đối thấp. Khoảng 53% cư dân thành phố đã được tiêm chủng. Ông Blasio nói khi tỷ lệ nhập viện tăng, thành phố sẽ có biện pháp thích ứng.
Thục Linh (Theo NY Times)