Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz rời quân cảng San Diego ở bang California hôm 9/6, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và các tàu chiến hộ tống cũng rời quân cảng Yokosuka, Nhật Bản, cùng ngày. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trước đó cũng hoàn tất đợt thử nghiệm, kết thúc hai tháng nằm cảng vì Covid-19 và lên đường tới tây Thái Bình Dương.
Đây là lần đầu tiên trong gần ba năm qua, hải quân Mỹ triển khai cùng lúc ba tàu sân bay tuần tra các vùng biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng đây là màn phô diễn uy lực của Washington, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng xung quanh nguồn gốc nCoV và cách ứng phó Covid-19 của Bắc Kinh, cũng như dự luật an ninh Hong Kong và các động thái quân sự hóa đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Ba nhóm tàu sân bay này đang được phân bố đều trên Thái Bình Dương. Nhóm tàu USS Theodore Roosevelt hoạt động ở phía đông và đông bắc Biển Philippine, giữa đảo Guam và Philippines. USS Ronald Reagan và lực lượng hộ tống cũng hiện diện ở Biển Philippine, khu vực phía nam Nhật Bản. Trong khi đó, nhóm tàu USS Nimitz đang ở ngoài khơi bờ biển phía tây nước Mỹ và hướng về Tây Thái Bình Dương.
Số lượng hàng không mẫu hạm Mỹ cùng hiện diện ở một khu vực nhất định luôn bị giới hạn, do các tàu được luân phiên bảo dưỡng, huấn luyện hoặc tuần tra ở những vùng biển khác nhau. Việc triển khai cùng lúc ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương được coi là động thái bất thường.
Giới chuyên gia cho rằng nó thể hiện thông điệp răn đe được Washington gửi tới Bắc Kinh. "Truyền thông Trung Quốc cho rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang suy giảm mạnh vì Covid-19. Dường như đợt triển khai này là thông điệp của Mỹ nhằm cảnh báo Trung Quốc đừng tính toán sai lầm", Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Theo Glasier, Trung Quốc có thể coi màn phô diễn lực lượng của ba tàu sân bay Mỹ là "hành động gây hấn" và cho đây là bằng chứng cho thấy Washington mới là "nguồn cơn gây bất ổn khu vực".
Tuy nhiên, chiến lược quốc phòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã coi Trung Quốc là mối quan ngại an ninh hàng đầu và các lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng đã tìm cách điều thêm nhân lực, khí tài tới châu Á để chống lại "ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng tăng" của Trung Quốc.
"Khả năng hiện diện quân sự một cách mạnh mẽ là một phần của cuộc cạnh tranh. Tôi luôn nói với cấp dưới rằng các bạn phải hiện diện để chiến thắng khi ganh đua", chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy tác chiến thuộc Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, cho hay. "Tàu sân bay và các nhóm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh hải quân của Mỹ. Tôi rất mừng khi chúng ta triển khai tới ba chiếc vào thời điểm này".
Chuẩn đô đốc Koehler khẳng định Trung Quốc đang cải tạo trái phép và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, triển khai nhiều tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử tại đó, đồng thời thừa nhận các hoạt động của Washington, đồng minh và đối tác khu vực dường như chưa ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh.
Quan chức hải quân Mỹ cho biết hàng chục tàu chiến đã làm nhiệm vụ trên Thái Bình Dương từ lâu, nhưng việc triển khai đồng thời ba nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ nhấn mạnh cam kết của Washington với khu vực.
Phó đô đốc Koehler cho rằng Mỹ sẽ không duy trì hiện diện cùng lúc của 3 tàu sân bay ở châu Á - Thái Bình Dương trong dài hạn, nhưng điều này cho thấy năng lực của Washington. "Đó là điều chúng tôi có thể làm nếu muốn", ông nói thêm.
Vũ Anh (Theo NZ Herald)