Bắt đầu từ năm 2017, hải quân Mỹ sẽ thực hiện giai đoạn hai của chương trình Gia tăng Sức mạnh Tấn công Mục tiêu nổi (OASuW II) nhằm triển khai một loại tên lửa chống hạm mới, tiên tiến hơn, thay thế cho tên lửa Boeing RGM-84 Harpoon hiện có, theo National Interest.
Phát biểu tại tọa đàm tổ chức ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington , Phó đô đốc Joseph Aucoin cho biết chương trình OASuW II sẽ thử nghiệm so sánh tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) với loại tên lửa Tomahawk Block IV mới.
"Điều tôi muốn thấy là qua thử nghiệm hỏa lực hải quân Mỹ cần có, yêu cầu kỹ thuật sẽ được đưa vào loại tên lửa Tomahawk Block IV mới, sau đó so sánh nó với hỏa lực của tên lửa chống hạm tầm xa LRASM đã có ở chương trình OASuW giai đoạn một. Hai mẫu tên lửa này sẽ được đánh giá để tìm ra vũ khí tấn công thế hệ mới", ông Aucoin phát biểu trước báo giới.
Mục đích cao nhất của chương trình OASuW là nhằm nới rộng hơn nữa khoảng cách về tên lửa chống hạm giữa Mỹ và đối thủ tiềm tàng Trung Quốc.
Chương trình phát triển tên lửa của Trung Quốc bắt đầu từ cuối thập niên 60. Cùng với những thành tựu kinh tế và khoa học kỹ thuật nói chung, khoảng thời gian từ đầu thập kỷ 1990, Bắc Kinh đã nhanh chóng triển khai được nhiều biến thể khác nhau từ nguyên mẫu tên lửa DF-21, vốn được phát triển từ mẫu JL-1 sử dụng nhiên liệu rắn.
Các phiên bản DF-21 được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ mang đầu đạn hạt nhân đến chống hạm. Phiên bản DF-21D mới nhất được cho là tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) đầu tiên trên thế giới. DF-21D có khả năng đạt tốc độ Mach 10, tương đương 12.250 km/h và tầm bắn lên tới 2.000 km. DF-21D có thể mang đầu đạn hạt nhân và xác định mục tiêu thông qua hệ thống định vị vệ tinh GPS hoặc Bắc Đẩu.
Trung Quốc mới đây cũng thử thành công lần thứ 4 tên lửa WU-14 có tốc độ Mach 10 nhưng quỹ đạo bay khá phẳng, có khả năng xuyên qua lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, trong tác chiến chiến thuật, DF-21D vẫn là mối đe dọa thực sự nghiêm trọng đối với tàu chiến của Mỹ và buộc Washington phải sớm hoàn thành chương trình phát triển các loại tên lửa chống hạm tầm xa tối tân hơn.
Tên lửa chống hạm tầm xa LRASM
Tên lửa chống hạm tầm xa LRASM là một sản phẩm thuộc chương trình nghiên cứu chung giữa hải quân và không quân Mỹ cùng Cục nghiên cứu Dự án Quốc phòng Hiện đại (DARPA), thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Chương trình này có mục tiêu tìm ra vũ khí tạm thời trước khi OASuW giai đoạn hai kết thúc vào khoảng sau năm 2020. Tên lửa LRASM do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất được cho là có tầm bắn lên tới 960 km và có thể mang các đầu đạn xuyên giáp hoặc đầu đạn chùm nặng gần nửa tấn.
Tên lửa LRASM được thiết kế nhằm trang bị cho hải quân và không quân Mỹ khả năng bắn xa với độ chính xác cao, đồng thời có thể vượt qua môi trường tác chiến điện tử của đối phương. Để đạt yêu cầu đó, LRASM được tích hợp các cảm biến và hệ thống dẫn đường bán tự động nhằm giảm lệ thuộc vào các nền tảng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), cũng như đường dẫn mạng hay hệ thống định vị vệ tinh. LRASM cũng được ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất giúp nâng cao khả năng sống sót và sát thương chính xác nhằm vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương và bắn trúng mục tiêu.
Theo tạp chí USNI News của Học viện Hải quân Mỹ, hiện chỉ tồn tại phiên bản tên lửa chống hạm tầm xa LRASM cho máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, giai đoạn hai của chương trình OASuW đặt mục tiêu là tên lửa OASuW sẽ khai hỏa từ các ống phóng thẳng đứng (VLS) MK 41, hiện trang bị trên các khu trục hạm và tuần dương hạm có tên lửa hành trình. USNI News tiết lộ hãng Lockheed Martin đang thử nghiệm nội bộ thao tác phóng LRASM từ các ống MK41.
Tên lửa Tomahawk Block IV
Đối nghiệm của tên lửa LRASM là Tomahawk, một vũ khí chủ lực của hải quân Mỹ từ lâu nay, thường được bắn từ chiến hạm nhằm vào các mục tiêu trên đất liền. Tomahawk là loại tên lửa do Raytheon sản xuất, tầm bắn tới 1.800 km và có thể sống sót trước nhiều kịch bản xung đột khác nhau. Thông tin trên trang chủ của Raytheon cho biết mẫu tên lửa mới nhất Tomahawk Block IV "tích hợp kết nối dữ liệu vệ tinh hai chiều, cho phép tên lửa xác định lại mục tiêu trong khi đang bay". Mẫu Tomahawk Block IV được thiết kế nhằm mục tiêu vừa nâng cao khả năng tác chiến vừa giảm thiểu chi phí.
Khả năng điều chỉnh đường bay là một tính năng hoàn toàn mới của Block IV và có thể đáp ứng những yêu cầu về sát thương của tên lửa chống hạm mà hải quân Mỹ đặt ra. Trong cuộc thử nghiệm đầu năm 2015, một tên lửa Tomahawk Block IV đã bắn chính xác mục tiêu khiến Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work sau đó phải gọi cuộc thử nghiệm này là một bước tiến có tính chất "thay đổi cuộc chơi".
Lựa chọn thay thế tối ưu
Bryan Clark, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), đồng thời là một cựu tư lệnh hải quân, nhận định việc so sánh tên lửa chống hạm tầm xa LRASM và tên lửa Tomahawk Block IV mới là một ý tưởng hay. Ông nhấn mạnh Tomahawk có thể không xuất sắc bằng LRASM nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều.
Clark cũng chỉ ra một lựa chọn khác cho chương trình là tên lửa tấn công trang bị trên tàu chiến của hãng sản xuất Na Uy Kongsberg. Tên lửa này có tầm bắn và giá thành tương đương LRASM nhưng đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt. Clark cũng gợi ý điều quan trọng nhất là hải quân Mỹ phải triển khai được một loại tên lửa có thể đảm bảo cả hai mục tiêu là tấn công đất liền và chống hạm để giảm bớt thao tác chuẩn bị ống phòng trong từng loại nhiệm vụ khác nhau.
Bất kể Tomahawk Block IV hay LRASM có ưu thế hơn trong cuộc so nghiệm này thì mục tiêu mà hải quân và không quân Mỹ mong muốn cũng là giành lại thế chủ động chiến thuật và sức mạnh áp đảo về tên lửa so với đối thủ nặng ký nhất ở Thái Bình Dương.
Minh Châu (theo National Interest)