Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/5 cho biết nhà thầu quốc phòng Honeywell chấp nhận trả 13 triệu USD tiền phạt cùng chi phí khác, song cho phép hoãn nộp 5 triệu USD nếu công ty này sử dụng khoản tiền đó để khắc phục hậu quả.
Cáo trạng cho biết Honeywell thừa nhận xuất khẩu trái phép 71 bản vẽ kỹ thuật, vốn bị hạn chế xuất khẩu theo Quy định Lưu thông Vũ khí Quốc tế (ITAR), trong giai đoạn từ tháng 7/2011 đến tháng 10/2015. Trong số này có các bản vẽ liên quan đến bộ phận dùng trên tiêm kích tàng hình F-22 và F-35, oanh tạc cơ chiến lược B-1B, xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1, động cơ trực thăng T55 và CTS800 được chuyển giao cho Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ xác định việc bán cho Trung Quốc các tài liệu về một số bộ phận và thành phần nền tảng động cơ F-35, B-1B và F-22 đã làm tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ, thông cáo cho biết.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ không theo đuổi hành động pháp lý nghiêm trọng hơn do Honeywell "tự giác tiết lộ" các mặt hàng xuất khẩu vi phạm Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí (AECA) và ITAR.
Tài liệu về một số khí tài khác bị xuất khẩu trái phép bao gồm vận tải cơ C-130, cường kích A-10, cường kích hạng nhẹ A-7H, trực thăng AH-64 và tên lửa hành trình Tomahawk.
Honeywell sau đó cho biết các công nghệ liên quan vụ bán bản vẽ "được đánh giá có tác động đến an ninh quốc gia" của Mỹ dù đã được thương mại hóa trên toàn thế giới, song khẳng định không chia sẻ "chuyên môn kỹ thuật hoặc chi tiết sản xuất".
Trung Quốc từ lâu bị cáo buộc triển khai hoạt động gián điệp công nghiệp nhằm thu thập bí mật công nghệ quân sự và thương mại, bao gồm các hệ thống thuộc lĩnh vực hàng không và đặc biệt là động cơ máy bay.
Mỹ và Bỉ hồi năm 2018 phối hợp bắt một điệp viên Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp thông tin hàng không vũ trụ từ nhiều công ty Mỹ. Tình báo Trung Quốc bị nghi đã thu được những thông tin nhạy cảm về nhiều hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ, bao gồm tiêm kích tàng hình F-22 và F-35.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)