Thẩm phán liên bang Florida, người ra lệnh khám xét dinh thự của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 12/8 yêu cầu công khai tài liệu cùng bản kiểm kê những thứ bị tịch thu khi đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) khám nhà ông Trump hôm 8/8. Trong số tài liệu các đặc vụ FBI thu được có ba tài liệu "Mật", ba tài liệu "Bí mật", 4 tài liệu "Tối mật" và một tài liệu được phân loại là "Tối mật và Nhạy cảm".
Thông tin mật là loại tài liệu được chính phủ Mỹ hoặc một cơ quan đánh giá là nhạy cảm với an ninh quốc gia, cần hạn chế và kiểm soát tiếp cận. Đó có thể là thông tin về hoạt động tình báo, quan hệ đối ngoại, kế hoạch quân sự hay chương trình hạt nhân.
Mỹ chia thông tin mật thành ba cấp độ từ thấp đến cao là Mật (Confidential - C), Bí mật (Secret - S) và Tối mật (Top Secret - TS). Nếu bị rò rỉ, thông tin ở các cấp độ này có thể gây "thiệt hại", "thiệt hại nghiêm trọng" và "thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng" cho an ninh quốc gia Mỹ.
Trong hạng Tối mật còn có một cấp là SCI - "thông tin phân vùng nhạy cảm", áp dụng với những thông tin nhất định từ các nguồn tình báo và chỉ nhóm nhỏ cá nhân đặc biệt được tiếp cận.
Một số chỉ định khác sẽ đi kèm với tài liệu nhóm Bí mật và Tối mật để hạn chế truy cập rõ ràng hơn. Ví dụ, Thông tin Thiết kế Vũ khí Hạt nhân Quan trọng là một chỉ định với tài liệu mật liên quan thiết kế và vận hành vũ khí hạt nhân. Một cá nhân phụ trách vấn đề chống phản loạn sẽ không được tiếp cận Thông tin Thiết kế Vũ khí Hạt nhân Quan trọng, dù người này vốn có quyền truy cập thông tin tối mật.
Ngoài ra, một số thông tin được coi là mật nhưng không quá nhạy cảm. Ví dụ, năm 2010, tổng thống khi đó là Barack Obama đã giải mật thông tin về số lượng vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của Mỹ.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm có thể tiếp cận bất cứ tài liệu mật nào và ra quyết định giải mật.
Một văn bản có thể chứa những thông tin được phân loại theo các cấp khác nhau, hay thậm chí chưa phân loại. Từng đoạn trong đó sẽ được đánh dấu để xác định, ví dụ như "U" là "chưa phân loại"(Unclassified), hoặc C, S, TS. Cách tiếp cận này giúp dễ xác định và loại bỏ phần nhạy cảm để những phần ít nhạy cảm hơn có thể được chia sẻ.
Tài liệu mật cần được xử lý theo quy trình bảo vệ tính toàn vẹn và bảo mật cho thông tin bên trong. Việc này bao gồm đặt tài liệu trong két sắt hoặc một kho chứa được cấp phép khi không ai dùng đến. Nếu cần chuyển tài liệu từ nơi này đến nơi khác, nhân viên phải tuân thủ các quy trình an ninh.
Thông tin mật có thể được đưa ra khỏi cơ sở lưu trữ trong quá trình làm nhiệm vụ nhưng việc mang tài liệu về nhà là bị cấm.
Trong lệnh khám xét nhà Trump được công bố, các công tố viên viện dẫn ba luật liên bang là mục 793, 2071 và 1519 trong bộ luật hình sự Mỹ.
Mục 793, còn được gọi là Đạo luật Gián điệp, ngăn chặn việc sở hữu trái phép thông tin quốc phòng mà không đề cập đến việc đó có phải là thông tin mật hay không. Mỗi hành vi vi phạm có thể bị phạt tới 10 năm tù.
Mục 2071 và 1519 quy định việc che giấu hoặc tiêu hủy các tài liệu chính thức của Mỹ là bất hợp pháp, với mức phạt tối đa lần lượt là ba năm và 20 năm tù.
Cựu tổng thống Trump đã gọi cuộc khám xét của FBI là "săn phù thủy" và khẳng định toàn bộ tài liệu đã được giải mật. "Họ không cần phải tịch thu bất cứ thứ gì. Họ có thể lấy các tài liệu này bất cứ khi nào mà không cần chơi trò chính trị và xông vào Mar-a-Lago", ông Trump viết.
Như Tâm (Theo CNN, Reuters)