Phó phát ngôn viên ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho biết Mỹ quan ngại trước sự việc ở Hoàng Sa, và đang tìm hiểu thông tin từ cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh quan điểm phản đối vũ lực trong tranh chấp.
"Chúng tôi mạnh mẽ phản đối việc đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, hăm dọa của bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào" trên Biển Đông, Ventrell nói trong cuộc họp báo hôm qua khi được hỏi về sự việc giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc.
Các bộ biên phòng Việt Nam lập biên bản kiểm tra hiện trường sau khi tàu cá của ngư dân về đến cảng nhà sau khi bị bắn cháy nóc cabin. Ảnh: Trí Tín |
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo việc ngày 20/3, một tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản ở gần Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc đuổi và nổ súng khiến tàu cá bị cháy nóc cabin.
Việt Nam lên án hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền mà tàu Trung Quốc đã thực hiện, yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường cho các ngư dân bị thiệt hại.
Tuy nhiên hôm qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc không xác nhận việc bắn vào tàu Việt Nam, cũng không công nhận các thiệt hại đã gây ra cho tàu Việt Nam. Phát ngôn viên ngoại giao Hồng Lỗi nói rằng các hành động chống lại các tàu của Việt Nam ở Hoàng Sa là "cần thiết và hợp pháp".
Đại diện Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng những vụ việc như thếy này càng cho thấy nhu cầu có một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trong vấn đề Biển Đông. Tuyên bố về cách ứng xử (DOC) đã được đưa ra từ năm 2002, nhưng việc đề ra các quy định cụ thể có tính ràng buộc (thường được gọi là COC) vẫn bị trì hoãn.
Thời gian gần đây Trung Quốc liên tục cử các tàu chính phủ đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để thực hiện cái gọi là "giám sát ngư nghiệp". Các tàu chiến của hải quân Trung Quốc vừa hoàn tất đợt diễn tập đổ bộ chiếm đảo trên các đảo đá ở Trường Sa.
Việt Nam khẳng định có chủ quyền không tranh cãi với hai quần đảo nói trên, và liên tục phản đối, yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm chủ quyền mà Trung Quốc thực hiện.
Ánh Dương