Vụ truy đuổi và bắn tàu cá Quảng Ngãi vào ngày 20/3 không phải là hành động đơn lẻ của Trung Quốc. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, trong hai tháng đầu năm, Trung Quốc đã gia tăng việc cản trở, xua đuổi tàu cá của Quảng Ngãi với ít nhất 5 vụ việc nghiêm trọng được báo cáo.
Trưa 28/1, một tàu cá khác của Quảng Ngãi cũng bị tàu của Trung Quốc bắn vào cabin làm vỡ hai tấm kính và cháy quần áo của thuyền viên. Các ngư dân bị cướp 200 mét dây câu và đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Nhiều tàu cá khác bị tàu Trung Quốc, thậm chí cả trực thăng, rượt đuổi.
Hội Nghề cá cho biết, khác với việc bắt giữ như các năm trước, tàu Trung Quốc chuyển qua các hành động vũ lực. Khi tiếp cận được tàu thì cướp, phá tài sản... Từ đầu năm nay, khu vực Hoàng Sa bị Trung Quốc phá sóng nên các máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) không thể liên lạc được với các trạm bờ nên không phản ánh kịp thời những sự cố xảy ra.
Nóc cabin tàu QNg 96382 TS của thuyền trưởng Bùi Văn Phải bị bắn cháy đen hôm 20/3. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Hội Nghề cá Nguyễn Việt Thắng cho hay, Hội đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp nêu rõ các hành động của Trung Quốc và kiến nghị đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất của ngư dân Việt Nam cũng như bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo tổ quốc. “Các lực lượng của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền Việt Nam mà còn đánh người, cướp của, vô nhân đạo”, ông Thắng nói.
Theo ông Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, các lực lượng chức năng của Trung Quốc đang hoạt động trên vùng biển mà họ tự đặt chủ quyền rồi sử dụng vũ khí bắn vào ngư dân. Trong mọi hoàn cảnh, với người ngư dân tay không tấc sắc thì không luật pháp nào cho phép sử dụng vũ khí và vũ lực để uy hiếp, đe dọa.
“Các hành động của Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán về một Biển Đông ngày càng căng thẳng. Điều quan trọng là Việt Nam cần có cách ứng xử để buộc Trung Quốc phải dừng lại”, ông Việt nói.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị, hành động ngày 20/3 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
"Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam", ông Nghị nói.
Cùng ngày 25/3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc.
Trong lúc hành nghề khai thác thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, ngày 20/3, tàu cá của ông Bùi Văn Phải quê ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi và nổ súng gây cháy trần. Khoảng 30 phút sau, tàu Trung Quốc bỏ đi. Tàu của ông Phải quay về quê vì lương thực, quần áo, chăn, chiếu, ngư lưới cụ bị cháy sạch. Thiệt hại trong chuyến biển này của tàu cá khoảng 300 triệu đồng. Một tuần trước khi bị bắn cháy cabin, tàu cá này cũng đã bị tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. |
Nguyễn Hưng