Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 4/8 kêu gọi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vaccine Covid-19 toàn cầu thay đổi kế hoạch tiêm liều tăng cường để đảm bảo nguồn cung vaccine cho những quốc gia nghèo hơn. Ông cho rằng các nước nên "hoãn tiêm liều tăng cường ít nhất tới cuối tháng 9, để ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia có thể được tiêm chủng".
"Chúng tôi cảm thấy đó là sự giới hạn lựa chọn sai lầm, chúng tôi có thể làm cả hai", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên ở thủ đô Washington ngày 4/8, nhấn mạnh rằng Mỹ đã tặng nhiều vaccine hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đang thúc giục những nước khác làm theo.
"Cũng tại quốc gia này, chúng tôi có đủ nguồn cung để đảm bảo rằng mọi người Mỹ đều có thể tiếp cận vaccine", bà nói thêm.
"Chúng tôi sẽ có đủ nguồn cung để đảm bảo có thể triển khai nếu FDA khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho một phần dân số. Chúng tôi tin rằng có thể làm được cả hai và chúng tôi không cần phải lựa chọn một trong hai", Psaki nhấn mạnh.
WHO trong nhiều tháng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất cân bằng ngày càng rõ rệt trong nguồn cung vaccine chống lại đại dịch đã giết 4,2 triệu người trên thế giới. Theo AFP, khoảng 4,3 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu.
WHO muốn mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, ít nhất 40% vào cuối năm và 70% vào giữa năm 2022. Ở nhóm nước có thu nhập cao theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tiêm chủng là 101 liều/100 người, trong khi ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, con số này là 1,7 liều /100 người.
Israel tháng trước bắt đầu tiêm liều thứ ba cho người trên 60 tuổi, trong khi Đức ngày 3/8 cho biết sẽ bắt đầu tiêm liều thứ ba vaccine Pfizer và Moderna từ tháng 9.
Phương Vũ (Theo AFP)