"Chúng tôi không biết vị trí và điều kiện hiện tại của cậu ấy", phát ngôn viên An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết trong cuộc họp báo ngày 20/7. "Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để xác định nơi ở, sức khỏe và tình trạng của cậu ấy. Chúng tôi muốn thấy cậu ấy an toàn và nhanh chóng trở về Mỹ".
Lầu Năm Góc trước đó xác nhận công dân Mỹ vượt biên sang Triều Tiên ngày 18/7 là binh nhì Travis King, người đang chờ bị dẫn giải về nước chịu kỷ luật sau khi có các hành động gây gổ, hành hung, phá hoại xe cảnh sát trong thời gian đồn trú ở Hàn Quốc. Quân đội Mỹ tin rằng King đang bị phía Triều Tiên giam sau khi vượt biên.
Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với phóng viên rằng không rõ tung tích của King vì Triều Tiên không phản hồi Mỹ.
"Thật không may, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin liên lạc hay thư từ nào từ phía Triều Tiên về việc này", bà nói. "Chúng tôi muốn đưa cậu ấy về và đang làm việc với cơ quan liên ngành thông qua Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia và chính quyền".
![Travis King, binh sĩ Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên. Ảnh: Facebook/ Travis King](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/07/21/binh-nhi-jpeg-7102-1689895778.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-o4bfY8TvDgVc9PjNoM2uA)
Travis King, binh sĩ Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên. Ảnh: Facebook/ Travis King
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 20/7, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth nói rằng Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đang sử dụng các kênh của Liên Hợp Quốc để liên hệ với Triều Tiên nhằm có được thông tin về King cũng như hợp tác với Bình Nhưỡng để đưa binh nhì về nước.
"Nhưng tại thời điểm này, tôi không nghĩ chúng tôi đã liên lạc thành công với chính quyền Triều Tiên", bà nói.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, trường hợp của King là "ưu tiên cực kỳ cao" và các thông điệp đã được chuyển đến Triều Tiên. Miller không xác nhận liệu Triều Tiên có nhận được thông điệp do Mỹ gửi hay không, nhưng cho biết các quan chức "tin rằng có khả năng gửi thông điệp cho họ".
Ông Miller cũng nhấn mạnh không có lý do để tin rằng King đã liên lạc với quan chức Triều Tiên trước khi vượt biên.
Triều Tiên đến nay vẫn im lặng về trường hợp vượt biên của lính Mỹ.
Một luật sư đại diện cho King cho biết thân chủ bị quân đội Mỹ giam trong nhà tù ở Pyeongtaek, Hàn Quốc và được hai sĩ quan áp giải ra sân bay hôm 18/7 để về nước, nơi quyết định kỷ luật sẽ được công bố. Tuy nhiên, sau khi qua cửa an ninh sân bay, King bằng cách nào đó đã quay ngược trở lại và nhập vào một đoàn du khách trước khi vượt biên sang Triều Tiên.
King, người gia nhập quân đội Mỹ vào tháng 1/2021, là binh sĩ Mỹ đầu tiên vượt biên sang Triều Tiên kể từ năm 1982. Lính Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên nổi tiếng nhất là Charles Jenkins, trung sĩ quân đội Mỹ vượt biên vào Triều Tiên năm 1965 sau khi đóng quân tại đơn vị gần Khu Phi Quân sự (DMZ).
Huyền Lê (Theo AFP, Hill)