"Ba máy bay huấn luyện T-6 dự kiến được chuyển giao trong quý I năm 2024, 2-3 chiếc tiếp theo sẽ được giao vào cuối năm đó. 6-7 máy bay còn lại được chuyển vào năm 2027", chuẩn tướng Sarah Russ thuộc lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng nay tại đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
"Chúng tôi rất vui mừng khi phối hợp với quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam để đào tạo các kỹ thuật viên thực hiện chương trình bảo dưỡng máy bay", bà nói thêm. Chuẩn tướng Russ cho hay Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo tiếng Anh cho các phi công, cũng như vấn đề hậu cần, an toàn bay và y học hàng không.
Bà Russ đang có mặt ở Hà Nội để dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam diễn ra tại sân bay Gia Lâm.
Trong cuộc họp báo trực tuyến hồi tháng 6/2021, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) thuộc không quân Mỹ, cho hay Việt Nam đã đặt mua máy bay huấn luyện T-6 nhằm cải thiện chương trình huấn luyện phi công.
"Chúng tôi cam kết hỗ trợ bàn giao và đưa các máy bay T-6 này vào hoạt động, giúp Không quân Việt Nam nâng cao năng lực đào tạo phi công", ông Wilsbach nói.
Việt Nam hồi năm 2018 cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ. Thượng uý Đặng Đức Toại trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong ALP vào ngày 31/5/2019, đồng đội của anh là trung uý Doãn Văn Cảnh cũng hoàn tất chương trình huấn luyện không lâu sau đó.
T-6 Texan II là dòng máy bay hạng nhẹ hai chỗ ngồi do tập đoàn Raytheon của Mỹ chế tạo dựa trên mẫu Pilatus PC-9 của Thụy Sĩ. Nó được phát triển trong thập niên 1990 và đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 2001, thay thế mẫu Cessna T-37B của không quân và T-34C Turbo Mentor hải quân.
Có nhiều phiên bản T-6 được xuất xưởng, trong đó chủ lực là dòng T-6A để huấn luyện phi công và sĩ quan điều khiển vũ khí cho không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ cùng các đồng minh, đối tác. Các máy bay T-6A giúp học viên phi công làm quen với cảm giác bay, phát triển kỹ năng cơ bản để theo học các khóa đào tạo nâng cao trong tương lai.
Dòng T-6A có tính năng điều khiển đơn giản để bảo đảm an toàn, hạn chế tai nạn do lỗi phi công. Học viên phi công ngồi buồng trước, sĩ quan huấn luyện ngồi phía sau giám sát. Vị trí này có thể thay đổi tùy nhiệm vụ, máy bay có thể hoạt động chỉ với một người điều khiển.
Máy bay được trang bị một động cơ turbine phản lực cánh quạt PT6A-68 với công suất 1.100 mã lực. Mỗi chiếc T-6A có thể đạt tốc độ tối đa 500 km/h, tầm bay 1.670 km và trần bay 9,4 km.
Vũ Anh