Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đại tướng Mark Milley, nhiều lần tìm cách điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.
Tuy nhiên, phía Nga "từ chối tham gia các cuộc gọi này", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby ngày 23/3 cho biết. Chưa rõ lý do Nga từ chối các cuộc gọi của quan chức quốc phòng Mỹ.
Nỗ lực trao đổi được Lầu Năm Góc tiến hành trong bối cảnh Nga tiến hành một số đợt tập kích tên lửa vào mục tiêu ở miền tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan cùng Romania, hai thành viên NATO.
Nga và Mỹ vẫn duy trì kênh liên lạc giảm xung đột, song các quan chức Mỹ cho rằng trao đổi giữa lãnh đạo quân sự cấp cao hai nước là cần thiết để tránh leo thang hoặc sự cố hiểu nhầm ngoài ý muốn.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết đường dây liên lạc giảm xung đột với Nga có chức năng như một cơ chế chiến thuật để tránh tính toán sai lầm, đặc biệt là trong vấn đề bảo vệ không phận hoặc lãnh thổ thành viên NATO, song đường dây nóng này vẫn còn nhiều hạn chế.
"Đây không phải đường dây khiếu nại để bạn có thể gọi đến và than phiền về mọi thứ", một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Tổ chức điện đàm giữa các lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Nga là "cực kỳ quan trọng trong thời điểm này", phát ngôn viên Kirby cho biết. Ngoài đường dây giải tỏa xung đột, Lầu Năm Góc có thể liên lạc với Nga thông qua tùy viên quân sự của nước này tại Moskva hoặc chuyển tiếp thông điệp đến Bộ Quốc phòng Nga.
Liên lạc giữa Mỹ và Nga giảm mạnh sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan điện đàm với người đồng cấp Nga Nikolay Patrushev, trong khi một số quan chức quân sự Mỹ và Nga gặp gỡ nhau ở Bộ Quốc phòng Nga hồi tuần trước, nhưng hai bên chưa tổ chức cuộc trao đổi cấp cao nào.
Sau một tháng giao tranh, xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Moskva và Kiev đã tiến hành nhiều vòng đàm phán kể từ khi nổ ra xung đột nhưng chưa tìm được tiếng nói chung về thỏa thuận hòa bình.
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)