Báo cáo Billionaire Census 2018 vừa được hãng nghiên cứu tài sản Wealth-X công bố cho thấy năm 2017, thế giới có số tỷ phú kỷ lục, với 2.754 người. Tổng tài sản cũng lên cao nhất khi tăng 24%, chạm 9.200 tỷ USD.
Mỹ đóng góp tới 25% tỷ phú toàn cầu, với 680 người. Theo sau là Trung Quốc (338 người), Đức (152) và Ấn Độ (104). “Nhờ nền kinh tế nội địa vững chắc, chứng khoán tăng trưởng ổn định và nhiều đại gia công nghệ, Mỹ đã bổ sung 60 tỷ phú mới. Tổng tài sản của 680 người đã lên 3.200 tỷ USD”, báo cáo cho biết.
Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 2 trong danh sách năm nay. Đây cũng là quốc gia đứng đầu sức tăng trưởng cả về số lượng lẫn tổng tài sản tỷ phú. Trung Quốc hiện đóng góp 12% tài sản tỷ phú toàn cầu, tăng so với 9% hai năm trước.
6 trên 10 nền kinh tế trong top 10 thuộc khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi). Châu Á có 3 đại diện (Trung Quốc, Ấn Độ, Hong Kong) và Mỹ là nước duy nhất đến từ châu Mỹ.
Nếu tính theo thành phố, New York tiếp tục là điểm đến được ưa chuộng nhất của tỷ phú thế giới, với 103 người sinh sống tại đây. Theo sau là Hong Kong (Trung Quốc) với 93 đại diện và San Francisco (Mỹ) với 74 người.
Cũng theo báo cáo, ngành đóng góp nhiều tỷ phú thế giới nhất là Tài chính/Ngân hàng/Đầu tư. Theo sau là Công nghiệp và Bất động sản. Về nguồn tài sản, khoảng 57% tỷ phú là tự thân, 30% vừa thừa kế vừa tự thân và 13% còn lại hoàn toàn thừa kế.
Bên cạnh đó, tỷ phú cũng có xu hướng học tập tại các trường hàng đầu thế giới. Harvard một lần nữa giữ ngôi trường đại học sản sinh nhiều tỷ phú nhất thế giới, với 188 người, nới rộng khoảng cách với Stanford và University of Pennsylvania phía sau. Toàn bộ 10 trường đứng đầu danh sách đều nằm tại Mỹ.
Hà Thu