Cuộc tập trận kéo dài 10 ngày với sự tham gia của tàu khu trục INS Sahyadari, tàu hộ vệ chống ngầm INS Kiltan của hải quân Ấn Độ, tàu khu trục USS McCampbell, tàu đổ bộ USS Green Bay tàu ngầm tấn công Los Angeles của hải quân Mỹ, còn Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản triển khai tàu sân bay trực thăng JS Kaga, tàu khu trục Samidare và tàu tuần dương Chokai.
"Chú trọng vào tác chiến chống ngầm, ba nước đã triển khai các máy bay tuần thám biển trang bị radar, tên lửa và ngư lôi. Ấn Độ và Mỹ triển khai các biến thể khác nhau của máy bay P-8, trong khi Nhật sử dụng máy bay Kawasaki P-1", một nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết, đồng thời khẳng định đây là lần đầu tiên nước này điều động phi cơ P-8I đến Nhật.
Malabar là cuộc tập trận thường niên được Ấn Độ và Mỹ cùng tổ chức kể từ thập niên 1990. Đến năm 2016, nhằm thúc đẩy việc hình thành một liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản trở thành nước thứ ba tham gia hoạt động quân sự này.
Các cuộc tập trận Malabar trước đây thường diễn ra ở Ấn Độ Dương hoặc Thái Bình Dương. Malabar 2018 được tổ chức ngoài khơi Philippines, nơi tàu chiến ba nước thực hiện các bài tập xuất kích máy bay, phòng không, tác chiến chống ngầm, tác chiến mặt nước, tìm kiếm - bắt giữ và nhiều tình huống chiến thuật khác.
Cuộc tập trận năm nay diễn ra trước thềm cuộc họp cấp ngoại trưởng đầu tiên của nhóm Bộ Tứ, gồm ba nước trên và Australia, bên lề kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.
Theo giới quan sát, cuộc tập trận cho thấy đã dần hình thành một "khía cạnh quân sự" trong nhóm Bộ Tứ. Trước đó, Ấn Độ đã phản đối mọi động thái nhằm quân sự hóa nhóm này, thậm chí đã từ chối việc nâng cấp đối thoại của nhóm này lên cấp bộ trưởng để không làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Nguyễn Hoàng (Theo Times of India)