"Chúng tôi kêu gọi Nga hạ nhiệt căng thẳng trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine và lực lượng của Nga tại Crimea rút về căn cứ theo các thỏa thuận về việc quản lý Hạm đội Biển Đen của Nga", Reuters dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Chuẩn Đô đốc John Kirby nói.
Quan hệ hợp tác quân sự giữa nga và Mỹ được coi là cầu nối giữa hai nước và giúp làm giảm các nguy cơ hiểu lầm giữa hai bên.
Kirby nói mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ biết được "giá trị" của việc hợp tác quân sự với Nga, "nhưng trước các sự kiện mới xảy ra ở Ukraine, chúng tôi quyết định tạm ngừng tất cả các thỏa thuận quân sự". Việc tạm ngừng này bao gồm cả các cuộc gặp quân sự song phương và các hội nghị đã lên kế hoạch, ông nói.
Bất chấp các phản đối từ phương Tây về những hoạt động tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như không có dấu hiệu thay đổi ý định. Nga đã triển khai các xe bọc thép gần Crimea và tổ chức tập trận gần biên giới với Ukraine, được coi là nhằm mục đích phô trương sức mạnh.
Người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng cho biết Mỹ sẽ đình chỉ hợp tác về thương mại và đầu tư với Nga trong thời gian tới sau các sự kiện xảy ra ở Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố "Nga đang mắc sai lầm lịch sử" trong vấn đề Ukraine. Tổng thư ký NATO kêu gọi liên minh họp khẩn. Các đại diện ngoại giao của Nga và Đức bắt đầu họp bàn về sáng kiến lập nhóm giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Một cuộc tranh luận gay gắt nổ ra giữa đại sứ Nga và Mỹ tại Liên Hợp Quốc, trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an. Đại sứ Nga Vitaly Churkin đọc thư của tổng thống bị phế truất Yanukovych trong đó yêu cầu Nga giúp lập lại trật tự ở Ukraine. Đại sứ Mỹ Power gay gắt đòi hỏi Nga nhất trí với việc đưa đoàn quan sát quốc tế vào giám sát tình hình ở Ukraine.
Vũ Hà