"Những ai cố gắng suy diễn tình hình này thành một kiểu xâm lược và đe dọa trừng phạt, tẩy chay, thì cũng giống như những người luôn khuyến khích Ukraine từ chối đối thoại và cuối cùng đã phân hóa xã hội Ukraine", ông Lavrov nói tại phiên khai mạc kỳ họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ.
"Tôi yêu cầu họ thể hiện sự trách nhiệm, đặt sang một bên những tính toán chính trị thuần túy và đặt lợi ích của người dân Ukraine lên trên hết", ông nói thêm.
Hôm 1/3, Tổng thống Vladimir Putin đạt được sự chấp thuận của quốc hội Nga về việc sử dụng lực lượng tại Ukraine, trong đó có Crimea, bán đảo chiến lược với phần lớn dân cư nói tiếng Nga.
Động thái này khiến các nước phương Tây chỉ trích gay gắt và đe dọa tẩy chay Nga khỏi nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G8. Moscow tham gia G8 vào năm 1997, sau nhiều năm chìm trong hỗn loạn khi Liên Xô tan rã. Hội nghị cấp cao G8 dự kiến tổ chức vào tháng 6 tại thành phố Sochi của Nga.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, người dự kiến gặp ông Lavrov để ăn trưa và trao đổi công việc, cũng lên tiếng yêu cầu Nga "kiềm chế những hành vi và phát ngôn có thể làm leo thang tình hình".
"Việc đảm bảo sự tôn trọng đầy đủ và bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là rất quan trọng", ông Ban nói.
Trong bối cảnh nhiều nguồn tin cho hay quân đội Nga đang đổ bộ vào Crimea, ông Lavrov khẳng định sự hiện diện này là cần thiết và cho rằng cuộc sống của người Nga ở bán đảo này đang gặp nguy hiểm.
"Tổng thống Putin đã yêu cầu Hội đồng Liên bang cho phép sử dụng lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine cho đến khi tình hình xã hội và chính trị ở nước này trở lại bình thường", ngoại trưởng nói.
Ông khẳng định rằng các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang kiểm soát nhiều vùng của quốc gia tự trị từng thuộc Xô viết và các tân lãnh đạo ở Kiev đang tấn công vào quyền của các dân tộc thiểu số.
"Những người chiến thắng âm mưu sử dụng thành quả mà họ gặt hái được để tấn công nhân quyền và tự do cơ bản của các tộc người thiểu số", ông nói. "Bạo lực từ các phần tử cực đoan đang đe dọa đến tính mạng và lợi ích khu vực của người Nga cũng như cộng đồng dân cư nói tiếng Nga".
Ông Lavrov khẳng định các công dân và đồng bào của Nga phải được bảo vệ và đảm bảo quyền được sống. Ông cho hay "chính quyền hợp pháp" của Crimea đã yêu cầu Moscow trợ giúp "để tái lập hòa bình ở nước cộng hòa tự trị này".
Theo lực lượng biên phòng Ukraine, trong nhiều giờ qua, 10 trực thăng chiến đấu và 8 máy bay vận tải quân sự của Nga đã hạ cánh xuống bán đảo Crimea. 4 tàu chiến Nga cũng có mặt ở thành phố cảng Sevastopol từ hôm 1/3. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Igor Tenyukh cho rằng Nga đã gửi thêm 6.000 binh sĩ đến Crimea.
Anh Ngọc