Tuần trước, tiến sĩ Francis S. Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia và tiến sĩ Anthony S. Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAD), nhận định các dữ liệu liên quan đến phương pháp này còn lỏng lẻo. Quá trình phê duyệt đang được tạm ngừng để xem xét, đánh giá bổ sung. Theo H. Clifford Lane, Giám đốc NIAD, việc chấp thuận khẩn cấp vẫn có thể được thực hiện trong tương lai gần.
Huyết tương giàu kháng thể lấy từ những người đã khỏi Covid-19 được cho là an toàn. Song các thử nghiệm lâm sàng không chứng minh được độ hiệu quả của hình thức điều trị này, rằng liệu huyết tương có thực sự giúp chống lại nCoV hay không.
Dựa trên nghiên cứu từ Mayo Clinic, tiến sĩ Collins, tiến sĩ Fauci và tiến sĩ Lane đã kêu gọi các đồng nghiệp tạm dừng phê chuẩn. Họ cho rằng các dữ liệu cho đến nay chưa đủ chắc chắn để chấp thuận khẩn cấp.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/8, tiến sĩ Lane cho biết: "Ba chúng tôi khá đồng tình về tầm quan trọng của việc đánh giá dữ liệu thông qua các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, và đại dịch không làm lay chuyển điều đó".
Dự thảo phê duyệt khẩn cấp dựa trên kết quả của nghiên cứu cận lâm sàng, nghiên cứu lâm sàng (với sự tham gia của 66.000 bệnh nhân Covid-19) và lịch sử sử dụng huyết tương trong các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây.
Quá trình ủy quyền khẩn cấp, vốn để giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện, đã trở thành một thách thức đối với chính phủ Mỹ trong thời kỳ đại dịch. Trước đó, FDA từng cho phép sử dụng thuốc sốt rét hydroxychloroquine và chloroquine cho người nhiễm nCoV. Song, cơ quan đã thu hồi quyết định trong vài tháng, sau khi hàng loạt nghiên cứu cho thấy thuốc không đủ tác dụng chống lại Covid-19.
Các quan chức y tế cấp cao bày tỏ lo ngại về tốc độ nhanh chóng của chương trình, cũng như các tuyên bố vội vã về độ hiệu quả của huyết tương mà không có thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, vốn được coi là tiêu chuẩn vàng của nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn tin vào tác dụng của liệu pháp. Tiến sĩ Mila B. Ortigoza, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York, nhận định: "Chúng tôi đảm bảo nó hiệu quả. Chúng tôi tự tin với các bằng chứng không thể chối cãi. Nhiều bệnh nhân tại đây đang được cứu sống".
Khác với thuốc sốt rét, việc dùng huyết tương chữa bệnh truyền nhiễm đã bắt đầu từ những năm 1890, thu hút sự quan tâm của giới sinh vật và miễn dịch học. Mayo Clinic đã công bố phân tích trên hàng chục nghìn bệnh nhân trong chương trình tiếp cận mở rộng. Kết quả cho thấy đây là biện pháp an toàn.
Khối dữ liệu gần nhất được thu thập từ hơn 35.000 người mắc Covid-19, hầu hết nằm phòng hồi sức tích cực và phải thở máy. Theo đó, bệnh nhân được truyền huyết tương trong vòng ba ngày kể từ khi chẩn đoán sẽ giảm tỷ lệ tử vong.
Song, nghiên cứu không có nhóm bệnh nhân đối chứng, cũng không sử dụng giả dược để so sánh. Các nhà khoa học khó lòng đánh giá liệu đây có phải hình thức điều trị tối ưu hay không. Bên cạnh đó, với nguồn cung hạn chế, chưa rõ việc truyền huyết tương sau ba ngày kể từ khi chẩn đoán sẽ diễn ra thế nào trên thực tế.
Thục Linh (Theo NY Times)