"Tôi có rất nhiều huyết tương để cho đi và hiến cũng rất dễ. Tôi hy vọng rằng những huyết tương này có thể giúp đỡ được cho các bệnh nhân Covid-19 rất nặng", Kelly nói.
Từ sáng sớm, bà Kelly đã có mặt tại cửa phòng khám sàng lọc, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng. Bà được hướng dẫn khai báo y tế, đo huyết áp sau đó lấy máu xét nghiệm.
Bác sĩ Vũ Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám Bệnh cơ sở Giải Phóng, giải thích các quy trình sàng lọc cho người phụ nữ. Người hiến huyết tương phải sàng lọc kỹ nhằm đảm bảo không có bệnh truyền nhiễm, không bị rối loạn đông máu, đồng thời xét nghiệm định lượng kháng thể trong máu. Ngoài ra, phụ nữ hiến huyết tương không được mang thai quá ba lần vì cơ thể không đủ kháng thể cần thiết.
Khoảnh khắc chiếc kim lấy máu xuyên vào cẳng tay, Kelly hơi nhíu mày. Sau đó, điều dưỡng sử dụng 15 ống xét nghiệm, mỗi ống chứa khoảng 2 ml máu và một ống chứa mẫu lấy từ hầu họng để xét nghiệm RT-PCR. Quá trình diễn ra trong khoảng 5 phút. Sau đó, bà Kelly được mời tới phòng chờ để nghỉ ngơi.
"Tôi không cảm thấy đau, điều dưỡng có kỹ thuật rất tốt. Một lợi ích khác nữa là bạn sẽ được kiểm tra sức khỏe miễn phí", bà nói.
Ngừng một lát, bà Kelly nói: "Tôi mong mọi người không sợ hãi, hiến huyết tương cũng giống như hiến máu, chỉ mất một chút dịch thôi".
Kelly làm việc trong một tổ chức phi chính phủ và sinh sống tại Việt Nam từ năm 2013, đăng ký thường trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Kelly coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.
Tháng 3, bà mắc Covid-19 sau chuyến đi Phuket, Thái Lan, trở thành "bệnh nhân 83", điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Trong thời gian điều trị, bà chỉ có triệu chứng nhẹ, tới ngày 4/4 thì khỏi bệnh.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Kelly cũng vừa nhận quyết định chuyển tới làm việc tại châu Phi. Lúc ấy, chính phủ các nước kiểm soát chặt người nhập cảnh khiến bà gác lại dự định chuyển công việc. Song, Kelly không cảm thấy khó chịu. "Tôi cảm thấy rất may mắn vì ở Việt Nam giai đoạn này. Tôi tin rằng chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt nên bây giờ chúng tôi được tự do làm việc lại ở trong đất nước mà không phải lo lắng gì".
"Bác sĩ tại Bệnh viện Củ Chi chăm sóc rất tận tình. Tôi cảm ơn những gì Chính phủ Việt Nam đã làm để giờ tôi có cơ hội để giúp đỡ những người khác", Kelly nói.
Bà từng phải đi xa và di chuyển liên tục do yêu cầu của công việc nên không cảm thấy vất vả khi từ Sài Gòn ra Hà Nội. "Tôi được nghỉ ngơi rất thoải mái rồi".
Trước câu cảm ơn của nhân viên y tế vì sự nhiệt tình của mình, Kelly xua tay: "Không cần cảm ơn, tôi hạnh phúc vì được hiến huyết tương".
Bác sĩ Hương cho biết trong sáng 12/8 có 5 người từng mắc Covid-19 tới khám sàng lọc. Các túi huyết tương được bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ từ -25 đến -18 độ C trong vòng 12 tháng, chờ sử dụng cho bệnh nhân Covid-19.
Ngày 3/8, nghiên cứu Điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương người bệnh đã phục hồi chính thức được Bộ Y tế thông qua. Hướng dẫn tạm thời cho phương pháp này đã được Bộ Y tế ban hành từ ngày 15/5.
Cùng ngày 3/8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bắt đầu tuyển chọn người hiến từ nhóm người đã khỏi bệnh và kêu gọi người hiến liên hệ qua fanpage facebook, hotline của bệnh viện. Đã có 17 người đăng ký hiến huyết tương. 9 người đã được sàng lọc. Có hai người đủ tiêu chuẩn và được lấy huyết tương, gồm nam bác sĩ 29 tuổi và bệnh nhân nữ 39 tuổi.
Chi Lê