Guardian cho biết các quan chức ở Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp số điện thoại nhiều nhà lãnh đạo thế giới cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
"Một quan chức Mỹ giấu tên đã cung cấp cho NSA 200 số điện thoại, trong đó có 35 số của các nhà lãnh đạo trên thế giới", tài liệu cho biết. Tài liệu này được công bố một ngày sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Washington đang theo dõi điện thoại di động của bà.
"Chúng ta cần có niềm tin. Bây giờ, niềm tin đó cần phải xây dựng lại", bà Merkel nói. "Việc theo dõi bạn bè là không thể chấp nhận được".
Nhà Trắng nhanh chóng đưa ra lời giải thích trong một thông báo rằng Mỹ "hiện không theo dõi và sẽ không theo dõi" các liên lạc của nữ thủ tướng Đức.
"Những tiết lộ đó làm mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia khác trở nên căng thẳng. Chúng tôi đang giải quyết việc này bằng con đường ngoại giao", Jay Carney, phát ngôn viên Nhà Trắng nói trong buổi họp báo ngày hôm qua. "Đây đều là những mối quan hệ quan trọng đối với kinh tế, an ninh của Mỹ. Chúng tôi sẽ duy trì ở mức chặt chẽ nhất có thể.
Susan Lindauer, một cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), còn cho biết Mỹ đã theo dõi các quan chức nước ngoài, thậm chí cả thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, từ trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9.
"Chúng tôi đang theo dõi những người này. Chúng tôi đang theo dõi các đại sứ quán. Chúng tôi đang theo dõi các nhân viên ngoại giao cấp cao và chúng tôi đã thực hiện việc này trong nhiều năm", Susan hôm qua nói với Press TV.
Nghe lén điện thoại thủ tướng Đức là cáo buộc mới nhất liên quan đến chương trình do thám của NSA. Trước đó, nhiều quốc gia như Pháp, Mexico, Brazil đã cáo buộc Mỹ theo dõi các nhà lãnh đạo của họ và nghe lén hàng chục triệu cuộc điện thoại trên toàn thế giới.
Hôm 21/10, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng gọi điện cho ông Obama để lên án việc Mỹ nghe lén hàng triệu cuộc điện thoại của công dân Pháp.
Nguyễn Tâm