Người phát ngôn của bà Merkel, ông Steffen Seibert, cho hay thủ tướng Đức "dứt khoát không tán thành những hành động này" và "nếu chúng là sự thật thì đó là điều không thể chấp nhận được". Bà yêu cầu Washington phải có lời giải thích nhanh chóng và đầy đủ.
"Giữa những người bạn thân, những đối tác trong nhiều thập kỷ qua như Đức và Mỹ, không nên để xảy ra các hành động như nghe lén điện thoại của các lãnh đạo. Đó sẽ là một sự xâm phạm nghiêm trọng đến niềm tin giữa đôi bên. Những hành động như vậy cần phải được dừng lại ngay lập tức", AFP dẫn lời người phát ngôn nói.
Ngay sau đó, Nhà Trắng đã nhanh chóng đưa ra lời giải thích. "Tổng thống Obama đảm bảo với Thủ tướng Đức rằng Mỹ không theo dõi và sẽ không theo dõi các cuộc nói chuyện của bà Merkel", Jay Carney, phát ngôn viên Nhà Trắng nói.
Khi được hỏi liệu có khi nào các điệp viên Mỹ vô tình thu nhận các cuộc gọi của bà Merkel trong chương trình chống khủng bố trên diện rộng hay không, ông Carney lặp lại câu trả lời trước đó. Ông không phủ nhận khả năng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) từng can thiệp vào các liên lạc của bà Merkel trong quá khứ.
Tuy nhiên, ông Carney nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama đang xem xét lại cách Washington thu thập thông tin tình báo "để có thể cân bằng giữa vấn đề an ninh cho người dân và những lo ngại của các đồng minh về quyền riêng tư".
Đây là cáo buộc mới nhất liên quan đến chương trình do thám của NSA. Trước đó, nhiều quốc gia như Pháp, Mexico, Brazil đã cáo buộc Mỹ theo dõi các nhà lãnh đạo của họ và nghe lén hàng chục triệu cuộc điện thoại trên toàn thế giới.
Hôm 21/10, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng gọi điện cho ông Obama để lên án việc Mỹ nghe lén hàng chục triệu cuộc điện thoại của công dân Pháp.
Nguyễn Tâm