Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn toàn cầu do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đề xuất hôm 23/3, kêu gọi chấm dứt chiến sự tại các khu vực xung đột trên toàn thế giới để chính phủ các nước tập trung giải quyết Covid-19.
Tuy nhiên, những nỗ lực để nghị quyết được thông qua của Hội đồng Bảo an đã bị cản trở bởi tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ phản đối nội dung kêu gọi ủng hộ hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong thời gian đại dịch, còn Trung Quốc nhấn mạnh phải đề cập và ủng hộ WHO.
Tối 7/5, các nhà ngoại giao Pháp đưa ra dự thảo nghị quyết, đề cập tới một "cơ quan y tế chuyên trách" của LHQ, đề cập gián tiếp tới WHO. Dự thảo này ban đầu được cho là nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Tuy nhiên, tới sáng 8/5, Mỹ đã "phá vỡ im lặng", phản đối cụm từ "cơ quan y tế chuyên trách" và ngăn cản các thủ tục để đưa ra hội nghị bỏ phiếu.
"Chúng tôi hiểu là vấn đề này đã đưa ra được thỏa thuận, nhưng có vẻ như họ (Mỹ) đã thay đổi quan điểm", một nhà ngoại giao phương Tây nói.
Phát ngôn viên của phái đoàn Mỹ tại LHQ cho rằng nếu giải pháp ngừng bắn đề cập tới WHO, cần đưa vào nội dung chỉ trích cách Trung Quốc và WHO xử lý đại dịch.
"Chúng tôi cho rằng Hội đồng Bảo an nên đưa ra nghị quyết chỉ giới hạn ủng hộ lệnh ngừng bắn, hoặc nghị quyết mở rộng trong đó yêu cầu quốc gia thành viên cam kết minh bạch và giải trình trách nhiệm trong bối cảnh Covid-19. Minh bạch và dữ liệu đáng tin cậy là cần thiết để giúp thế giới chống lại đại dịch đang và sắp diễn ra", phát ngôn viên Mỹ nói.
Dù nghị quyết chỉ mang tính biểu tượng nhưng nó diễn ra ở thời điểm quan trọng. Từ khi Tổng thư ký Guterres kêu gọi lệnh ngừng bắn toàn cầu, các phe phái vũ trang ở hơn 10 nước đã ngừng bắn. Tuy nhiên, nếu những quốc gia quyền lực nhất thế giới không đồng thuận, sẽ làm lung lay những nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn của ông Guterres.
Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục thảo luận trong tuần tới để giải quyết bế tắc.
Trump hồi tháng 4 tuyên bố cắt ngân sách cho WHO với lý do tổ chức này đã thông đồng với Bắc Kinh, che giấu tính nghiêm trọng của Covid-19 ở Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại, dù WHO và Bắc Kinh đều phủ nhận.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, khiến hơn 4 triệu người nhiễm, hơn 276.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,3 triệu ca nhiễm và gần 79.000 ca tử vong.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)