Trong chuyến thăm Panama hôm 9/4, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth nói rằng Mỹ có thể hồi sinh các căn cứ quân sự cũ nằm rải rác ở quốc gia Trung Mỹ, cũng như luân phiên điều binh sĩ tới đồn trú tại đây theo lời mời của nước sở tại.
"Thỏa thuận được Mỹ và Panama ký kết tuần này là cơ hội để khôi phục căn cứ quân sự, cơ sở không quân hải quân cùng các địa điểm mà quân đội hai nước có thể tăng cường năng lực, luân phiên hợp tác", ông nói.
Tuy nhiên, chính phủ Panama nhanh chóng bác bỏ ý tưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. "Tổng thống Jose Raul Mulino đã làm rõ quan điểm của Panama là chúng tôi không đồng ý cho đặt các căn cứ quân sự hoặc cơ sở quốc phòng như vậy", Bộ trưởng An ninh Panama Frank Abrego nói.

Khu trục hạm USS John Finn đi qua kênh đào Panama tháng 6/2017. Ảnh: US Navy
Ông Hegseth cũng cho biết Mỹ muốn đạt thỏa thuận để chiến hạm được ưu tiên đi qua kênh đào Panama và miễn phí. Tổng thống Donald Trump từng nói tàu quân sự Mỹ "bị tính phí quá cao và không được đối xử công bằng dưới bất kỳ hình thức nào" khi đi qua kênh đào Panama.
Jose Ramon Icaza, Bộ trưởng phụ trách vấn đề kênh đào Panama, khẳng định nước này "sẽ tìm kiếm cơ chế giúp bồi hoàn cho chiến hạm và tàu hậu cần, một cách làm trung hòa chi phí, song không phải miễn phí".
Kênh đào Panama dài 82 km do Mỹ xây dựng, được khánh thành năm 1914. Đây là tuyến đường thủy quan trọng trong khu vực, với khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ và 5% thương mại quốc tế đi qua mỗi năm.
Mỹ quản lý kênh đào Panama và vùng lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập kỷ. Năm 1999, chính phủ Mỹ chuyển toàn bộ quyền quản lý kênh đào cho chính phủ Panama. Kênh đào do cơ quan độc lập của Panama quản lý và mở cửa cho tàu thuyền của mọi quốc gia.
Tổng thống Trump từng cảnh báo sẽ giành lại kênh đào Panama, không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thực hiện mục tiêu này. Tuyên bố của ông Trump vấp phải phản đối từ nhiều nước tại khu vực Mỹ Latin.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP)