"Toàn thế giới đang cầu nguyện cho dân Ukraine khi họ phải hứng cuộc tấn công vô cớ và phi lý của quân đội Nga. Tổng thống Putin đã chọn một cuộc chiến được lên kế hoạch từ trước sẽ mang đến thiệt hại về người và của", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong thông cáo ngày 24/2.
"Nga sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết và tàn phá mà chiến dịch quân sự mang đến. Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả một cách thống nhất, dứt khoát. Thế giới sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm", ông Biden cho biết.
Tổng thống Mỹ cho biết đang theo dõi tình hình từ Nhà Trắng và sẽ gặp lãnh đạo các nước G7 vào buổi sáng. Ông khẳng định sẽ công bố "những hậu quả tiếp theo" mà Mỹ và các đồng minh sẽ áp đặt lên Nga vào hôm sau.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trích Nga phát động "cuộc tấn công liều lĩnh và vô cớ" tại Ukraine, đồng thời cảnh báo quyết định có thể khiến vô số dân thường thiệt mạng. Ông cáo buộc Nga "chọn con đường gây hấn chống lại một quốc gia có chủ quyền và độc lập".
"Các đồng minh NATO sẽ nhóm họp để giải quyết hậu quả từ những hành động gây hấn của Nga. Chúng tôi sát cánh với dân Ukraine vào thời điểm khủng khiếp này. NATO sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ tất cả đồng minh", Stoltenberg cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass và kêu gọi binh sĩ Ukraine trong khu vực hạ vũ khí. "Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra hành động quyết liệt và ngay lập tức", Tổng thống Putin nói, khẳng định hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine đã kêu gọi Nga hỗ trợ.
Tổng thống Nga tuyên bố không dung thứ "mối đe dọa từ Ukraine" và sẽ đáp trả những ai can thiệp chiến dịch quân sự của Nga tại khu vực này. Ông nhấn mạnh các lực lượng Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine, nhưng Nga sẽ tự vệ nếu đó là lựa chọn duy nhất.
Nga phát động chiến dịch quân sự khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang họp khẩn tại trụ sở ở New York, Mỹ về tình hình Ukraine. "Tổng thống Putin, hãy dừng cho quân đội tấn công Ukraine, hãy tạo cơ hội cho hòa bình, đã có quá nhiều người đã chết", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.
"Nhân danh nhân loại, cuộc chiến có thể là tồi tệ nhất trong thế kỷ này ở châu Âu không được phép diễn ra", Guterres nói thêm, yêu cầu xung đột ở miền đông Ukraine "phải lập tức chấm dứt".
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward nói "Nga trong nhiều tháng gí súng vào đầu Ukraine. Bây giờ, Tổng thống Putin siết ngón tay trên cò súng". "Một cuộc xung đột toàn diện ở quốc gia 44 triệu dân sẽ mang lại đau khổ to lớn, thương vong cho cả hai bên và những hậu quả nhân đạo tàn khốc", Woodward nói.
Bà chỉ trích Nga "không lắng nghe lời kêu gọi hòa bình của thế giới". "Thủ tướng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Anh không ngừng các nỗ lực ngoại giao. Chúng tôi cùng các đồng minh đã công bố lệnh trừng phạt quan trọng nhằm vào một số nhà tài phiệt, ngân hàng và chính trị gia Nga ủng hộ Tổng thống Putin. Chúng tôi sẽ tiếp tục gây hậu quả kinh tế nếu Nga tiếp tục gây hấn", đại sứ Woodward nói.
Trong bài đăng trên Twitter, Ngoại trưởng Anh Liz Truss "cực lực lên án cuộc tấn công kinh hoàng và vô cớ mà Tổng thống Putin phát động nhằm vào người Ukraine. Chúng tôi sát cánh với Ukraine và sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để phản ứng lại hành vi tấn công khủng khiếp này", bà nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly nhấn mạnh phương Tây sẽ áp đặt các "biện pháp trừng phạt chưa từng có" nhằm vào Nga.
Bộ Ngoại giao Italy cho rằng "cuộc tấn công cực kỳ nghiêm trọng" của Nga nhằm vào Ukraine là "vi phạm rõ ràng đối với luật pháp quốc tế", đồng thời triệu tập Đại sứ Nga ở nước này để phản đối.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ phối hợp với các đồng minh để cố gắng chấm dứt xung đột. "Pháp đoàn kết với Ukraine", Tổng thống Macron đăng trên Twitter.
Trong cuộc họp báo ngày 24/2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine "làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế". Ông cho biết Nhật Bản sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, để giải quyết vấn đề này nhanh chóng.
Australia sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Nga, đồng thời bổ sung 25 quân nhân, 4 công ty công nghệ vũ khí và 4 ngân hàng vào danh sách cấm vận của nước này. Thủ tướng Scott Morrison cảnh báo Australia sẽ áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt, trong đó có hoạt động di chuyển của hơn 300 nghị sĩ Nga.
Trong khi đó, đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya bảo vệ quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, khẳng định điều này nhằm bảo vệ dân thường ở các vùng ly khai, "những người trong 8 năm qua phải chống chọi với những đợt pháo kích của Ukraine".
"Hành vi khiêu khích của Ukraine đối với những người ở vùng Donbass không những không ngừng lại mà còn gia tăng. Điều này khiến lãnh đạo hai vùng ly khai Luhansk và Donetsk yêu cầu Nga trợ giúp", đại sứ Nebenzya nói.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân kêu gọi các bên liên quan đến khủng hoảng Nga - Ukraine "giữ thái độ tỉnh táo là lý trí". "Điều đặc biệt quan trọng trong lúc này là tránh làm tăng thêm căng thẳng", ông Trương nói. "Các bên liên quan nên kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng hơn nữa".
"Trung Quốc tin rằng cánh cửa dẫn đến giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine vẫn chưa hoàn toàn khép lại. Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình theo cách riêng của mình, đồng thời hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực hướng tới một giái pháp ngoại giao", ông Trương cho biết.
- Ông Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở đông Ukraine
- Nga sẽ làm gì tiếp theo tại Ukraine?
- Vì sao phương Tây lo Nga tiến quân vào đông Ukraine?
Nguyễn Tiến - Hồng Hạnh (Theo CNN)