Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Kim Anh. |
Trong vụ kiện cá tra, basa, DOC đã phán quyết, Việt Nam là một nước có nền kinh tế phi thị trường. Vì vậy, theo luật định của Mỹ, biên độ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam sẽ được tính toán trên cơ sở đối chiếu các chi phí sản xuất của một nước có nền kinh tế thị trường và phát triển ở trình độ tương tự với Việt Nam.
Theo SSA, nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển ở một mức tương đương với Việt Nam và có một cơ chế giúp cho việc đối chiếu, so sánh thuận lợi hơn, cho dù tất cả các loại tôm nước ấm đông lạnh và đóng hộp của Ấn Độ được bán trong nước với chất lượng trung bình.
Về phần mình, hiện các nhà chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn đang nghiên cứu lựa chọn nước thứ 3, dựa trên 2 tiêu chí chính là GDP bình quân đầu người và trình độ nuôi trồng, chế biến thuỷ sản (phải ở mức tương tự như Việt Nam). Thông thường, DOC sẽ đưa ra một danh sách cho bên bị đơn lựa chọn. Sau đó, dựa trên đề xuất của bên nguyên đơn cũng như lựa chọn của bên bị, DOC sẽ chính thức đưa ra quốc gia thứ 3 làm cơ sở đối chiếu để tính thuế.
Trong lúc DOC đang điều tra chống bán phá giá với Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ, Brazil và Việt Nam, Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ (USITC) cũng tiến hành xác định mức độ ảnh hưởng của tôm nhập khẩu đến kết quả kinh doanh của SSA. Trên cơ sở đó, USITC sẽ ra phán quyết sơ bộ, chậm nhất là vào 17/2. Nếu kết luận là có gây thiệt hại, cơ quan này sẽ tiếp tục thu thập thông tin và xác minh các dữ liệu mà cả hai bên cung cấp để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Song Linh