Reuters hôm 20/3 dẫn các nguồn thạo tin cho biết giới chức Mỹ trong tháng qua đã gợi ý Thổ Nhĩ Kỳ gửi hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới Ukraine, song không nêu ra yêu cầu cụ thể hoặc đề xuất chính thức. Ý kiến này của Mỹ cũng được nêu ra trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu các đồng minh đang sử dụng thiết bị và hệ thống vũ khí quân sự do Nga sản xuất, trong đó có hệ thống S-300 và S-400, xem xét chuyển giao chúng tới Ukraine trong bối cảnh quốc gia này đang xảy ra chiến sự.
Đề xuất của Mỹ được giới phân tích đánh giá là sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ. Đây cũng là một phần trong cuộc thảo luận giữa Thứ trưởng Mỹ Sherman và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về cách Mỹ cùng các đồng minh có thể hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine.
Các nguồn tin và nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đề xuất như vậy không nằm trong kế hoạch của nước này, với nhiều lý do, từ trở ngại kỹ thuật liên quan tới lắp đặt và vận hành hệ thống S-400 tại Ukraine tới những lo ngại về phản ứng mà Ankara có thể phải đối mặt từ Moskva.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận về bất cứ đề xuất nào của Mỹ liên quan tới quyết định chuyển giao hệ thống S-400 của Ankara cho Kiev. Quan chức Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa phản hồi về thông tin.
Tên lửa S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác, theo dõi số lượng lớn mục tiêu tiềm năng, kể cả máy bay tàng hình. Tổ hợp này còn có thiết kế module và độ cơ động cao, cho phép triển khai, phóng tên lửa, thu hồi và di chuyển khỏi trận địa chỉ trong vòng vài phút.
Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tích cực tham gia vào nỗ lực tìm giải pháp cho xung đột Ukraine - Nga, bởi đây là một trong số ít quốc gia có quan hệ tốt đẹp với cả hai phía. Thổ Nhĩ Kỳ từng tổ chức hội đàm cấp ngoại trưởng Nga và Ukraine, nhưng không đạt được giải pháp đột phá.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)