Cơ quan Phát triển Không gian Mỹ (SDA) tuần trước công bố dự thảo đề xuất tìm kiếm nhà thầu thiết kế và chế tạo 8 vệ tinh trang bị cảm biến hồng ngoại có thể theo dõi vũ khí siêu vượt âm.
Các vệ tinh này thuộc nhóm 20 vệ tinh sẵn sàng hoạt động năm 2022, giai đoạn đầu trong kế hoạch triển khai 150 vệ tinh liên kết với nhau trên quỹ đạo. Các vệ tinh tiên tiến hơn sẽ được bổ sung vào mạng lưới trong hai năm sau đó.
Kế hoạch này được tiết lộ sau khi Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) công bố dự thảo đề xuất hồi tháng 2 cho biết đang tìm cách thiết kế và chế tạo tên lửa đánh chặn chống mối đe dọa từ vũ khí siêu vượt âm.
He Qisong, chuyên gia về phòng thủ không gian tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, nói kế hoạch triển khai vệ tinh sẽ giúp quân đội Mỹ giám sát vũ khí siêu vượt âm của hai đối thủ chính là Nga và Trung Quốc.
"Mạng lưới 150 vệ tinh này là một phần trong kế hoạch phóng hơn 42.000 vệ tinh ra ngoài không gian để giám sát mọi thứ, bao gồm vũ khí siêu vượt âm, tên lửa chống vệ tinh và các công nghệ tiên tiến khác thuộc sở hữu của Trung Quốc hoặc Nga", He nói.
"Với sự trợ giúp của mạng lưới vệ tinh theo dõi của SDA trong không gian, MDA sẽ có thể đánh chặn và hạ gục bất cứ vũ khí trên không nào được Trung Quốc hoặc Nga phóng lên", He cho biết.
Chuyên gia He nói SDA cho rằng mạng lưới vệ tinh của SDA có thể nằm trong chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ được Tổng thống Donald Trump công bố năm ngoái, gợi nhắc đến Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược với biệt danh Star Wars hồi thập niên 1980.
Trump đặt mục tiêu giành lại vị trí thống trị của Mỹ trong không gian khi quyết định thành lập quân chủng vũ trụ hồi tháng 12/2019.
SDA được thành lập hồi tháng 3/2019 sau khi quân đội Mỹ bị chỉ trích không theo kịp tiến trình đổi mới trong lĩnh vực không gian. Cơ quan này được trao quyền tiếp cận các công nghệ vũ trụ thương mại hóa và sẽ trở thành một phần của quân chủng vũ trụ vào tháng 10/2022.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)