![]() |
Đồ họa phương tiện lướt siêu vượt âm của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin. |
"Văn phòng Khoa học Quốc phòng (DSO) thuộc Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) đang chào đón những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực chế tạo phần mũi của các nền tảng siêu vượt âm", Sputnik ngày 28/1 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Các ý tưởng mới này sẽ được sử dụng cho Chương trình Kiến trúc và Đặc tính Vật liệu siêu vượt âm (MACH) nhằm phát triển vật liệu chịu nhiệt, chịu mài mòn để chế tạo hoặc phủ lên phần mũi của phương tiện hay nền tảng siêu vượt âm. Phần mũi của phương tiện siêu vượt âm là bộ phận chịu ma sát nhiều nhất với không khí khi di chuyển ở tốc độ cao.
Các quân chủng của quân đội Mỹ đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm với Nga và Trung Quốc. Lực lượng không quân Mỹ dự định "chọn lựa giải pháp có hiệu quả 90% trong thời gian trước mắt thay cho chờ đợi giải pháp hiệu quả 100% sau nhiều năm nữa", Trợ lý Bộ trưởng Không quân Will Roper cho biết.
Vũ khí siêu vượt âm dùng tốc độ trên Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh) và khả năng cơ động cao để xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Nga và Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về loại vũ khí này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 3/2018 lần đầu tiên công bố phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard có tầm bắn 10.000 km với tốc độ Mach 27 (khoảng 33.000 km/h) và tổ hợp tên lửa chống hạm siêu vượt âm Kinzhal với tầm bắn 2.000 km. Nga dự kiến có hai trung đoàn trang bị vũ khí siêu vượt âm Avangard với 12 bệ phóng vào năm 2027.
Trung Quốc được cho sẽ biên chế tổ hợp tên lửa siêu vượt âm DF-17, có tầm bắn khoảng 1.700-2.400 km và được cho là có thể bắn trúng tàu sân bay đang di chuyển. Trung Quốc mới công bố hình ảnh thử nghiệm thực tế tên lửa DF-17 nhưng một số chuyên gia quân sự phương Tây bày tỏ hoài nghi về năng lực tác chiến của DF-17.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly ngày 29/1 cũng cho biết nước này quyết định phát triển phương tiện lướt siêu vượt âm. Dự án vũ khí mới có tên V-MaX do liên doanh Ariane Group phụ trách phát triển. Giới chức Pháp cho biết V-MaX có thể được thử nghiệm lần đầu vào năm 2021.
Nguyễn Tiến