Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều giả thiết liên quan đến điểm chung nhất giữa những người luôn khao khát hay có ý định gia nhập Nhà nước Hồi giáo (IS). Điển hình như IS có chiều hướng nhắm tới tầng lớp thanh niên, đa phần trên dưới 20 tuổi, thường xuyên thể hiện sự ủng hộ với các nhóm cực đoan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhận định này chưa thật sự chính xác khi IS hiện là một tổ chức lớn, quy tụ các thành phần đa dạng, từ người gốc Hồi giáo đến người cải đạo, từ người độc thân đến người đã lập gia đình, cả nam lẫn nữ, cả giàu và nghèo, từ người sinh ra tại Mỹ đến những thành phần mới nhập cư, theo Wall Street Journal.
Ông James Clapper, giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, cho hay khoảng 180 công dân nước này đã tới hoặc đang tìm cách đến khu vực chiến sự Syria.
"Một thực tế thú vị về những cá nhân mà chúng tôi điều tra liên quan đến hành vi hỗ trợ IS đó là họ không có những điểm bất thường trong hồ sơ", ông Michael Steinbach, lãnh đạo cơ quan chống khủng bố thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuần trước cho biết trong một phiên điều trần trước quốc hội. Ông đồng thời nhấn mạnh để phân loại những cá nhân vì một lý do nào đó nảy sinh ý muốn làm phương hại đến quốc gia là tương đối khó khăn bởi họ rất đa dạng về thành phần.
Nhà chức trách tuần trước vừa bắt giữ ba người đàn ông Brooklyn với cáo buộc âm mưu trợ giúp IS. Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các vụ bắt giữ thời gian gần đây liên quan tới tổ chức khủng bố này.
Chính quyền liên bang đã khởi tố gần 30 người trong các vụ án có dính líu tới IS trong 18 tháng qua, theo số liệu của Bộ Tư pháp. Những khiếu nại hình sự trải dài từ California tới Bắc Carolina, không tập trung ở bất cứ khu vực nào. FBI từng tuyên bố mở chiến dịch điều tra IS trên tất cả 50 bang của nước Mỹ.
"Động cơ để người ta gia nhập IS rất khác nhau", ông Matthew Levitt, giám đốc Chương trình Stein về Chống khủng bố và Tình báo tại Viện Chính sách Washington, đánh giá. "Mọi kiểu người đều có thể bị cực đoan hóa", ông nhận xét. "Vài người vì cô đơn nên muốn phiêu lưu hay tìm kiếm một tổ chức để tham gia. Số khác thì có vấn đề về sắc tộc. Nhiều người lại bị các tư tưởng cực đoan lôi cuốn".
Những người bị cáo buộc hỗ trợ IS thường là thanh thiếu niên và không hề có ý định che giấu kế hoạch với gia đình mình. Đây là điểm chung hiếm hoi trong một vài vụ án đã được xét xử.
Mẹ của Akhror Saidakhmetov, 19 tuổi, một trong số các bị cáo ở Brooklyn, phải giữ cả cuốn hộ chiếu của con trai mình bởi bà sợ rằng anh ta sẽ đến Syria để gia nhập các nhóm cực đoan. Saidakhmetov nhiều lần gọi cho mẹ đòi lại hộ chiếu để có thể tới Syria chiến đấu cho IS.
Adam Dandach, 21 tuổi, đến từ California, cũng bị mẹ thu hộ chiếu khi anh nói với bà rằng đang lên kế hoạch tới Thổ Nhĩ Kỳ, trạm dừng của những đối tượng muốn tới Syria gia nhập IS. Dandach bị bắt tại Los Angeles tháng 7 năm ngoái khi chuẩn bị lên máy bay tới Istanbul. Hôm 4/3 vừa qua, anh bị truy tố vì âm mưu hỗ trợ vật chất cho IS. Phiền tòa xét xử dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
FBI và Bộ An ninh Nội địa tuần trước gửi một thông báo tới các cơ quan thực thi pháp luật cảnh báo về động thái mà một phát ngôn viên chính phủ gọi là "xu hướng giới trẻ phương Tây được IS truyền cảm hứng tới Syria để tham gia cuộc chiến tại đây".
"Tuổi đời còn trẻ là yếu tố quan trọng nhất" của vấn đề trên, Karen Greenberg, giám đốc Trung tâm nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Trường Luật Fordham, bình luận khi bàn về nguyên nhân khiến nhiều người cảm tình và muốn đầu quân cho IS.
Theo một nguồn thạo tin, FBI tuần trước bắt giữ một nghi phạm mới chỉ 17 tuổi vì có hành vi hỗ trợ một người đàn ông gia nhập IS. Giới chức không tiết lộ chi tiết bởi vụ việc liên quan tới trẻ vị thành niên.
Trong một trường hợp ở Colorado, nữ sinh Shannon Conley, cũng chỉ 19 tuổi, đã gặp người đàn ông tự nhận là tay súng IS ở Syria qua mạng và sau đó xin phép cha cho phép cô kết hôn với người này để chiến đấu bên cạnh anh ta. Dù FBI nhiều lần thuyết phục cô tham gia các hoạt động nhân đạo thay vì nung nấu ý định đó nhưng Conley vẫn quyết tâm tới Syria. Cảnh sát cuối cùng bắt giữ cô tại sân bay. Conley bị kết án 4 năm tù cũng với tội danh âm mưu hỗ trợ IS.
Phương tiện truyền thông xã hội giúp IS dễ dàng tiếp cân với lượng khán giả đông đảo hơn nhưng không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả. Một số người đã bị bắt vì công khai tải lên các trang như Twitter hay Facebook những dòng thông điệp thể hiện mong muốn gia nhập cùng phiến quân. Điều này cho thấy các thành viên tiềm năng của IS không phải lúc nào cũng ấp ủ nhiều âm mưu, thủ đoạn hay suy tính kỹ càng.
Chính quyền liên bang để mắt tới Nicholas Teausant, 21 tuổi, ở California, sau khi anh này đăng lên một số trang mạng những đoạn viết thể hiện khát khao trở thành tay súng cực đoan để thực hiện các hành vi bạo lực. Anh bị bắt vào tháng 3 năm ngoái. Đặc vụ liên bang cho biết trong máy tính xách tay của Teausant xuất hiện các từ khóa tìm kiếm như "cách chế tạo bom" hay "mua cờ IS ở đâu".
Trong khi nhiều cá nhân muốn tới Syria để chiến đấu dưới ngọn cờ đen, số khác lại âm mưu thực hiện các cuộc tấn công ngay trong lòng nước Mỹ vì bị tác động bởi những lời xúi giục của nhóm khủng bố.
Christopher Cornell, 20 tuổi, một công dân Ohio, đã bị buộc tội vì lên kế hoạch kích nổ một quả bom và nã súng vào nhân viên chính phủ tại đồi Capitol, nơi làm việc của quốc hội Mỹ, ở Washington. Cornell bị bắt tại bãi đỗ xe của một cửa hàng bán súng sau khi mua nhiều súng trường và băng đạn tại đây.
"Đó là một mối đe dọa quá lớn", Marc Raimondi, phát ngôn viên của Cơ quan An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp, nhận định. "Thật sự không có một con đường cụ thể nào dẫn con người tới chỗ bị cực đoan hóa cũng như không có cách nào rõ ràng đưa người ta đến với bạo lực", ông khẳng định.
Vũ Hoàng (theo Wall Street Journal)