Tướng Mark Kelly, chỉ huy Bộ tư lệnh Tác chiến Đường không thuộc không quân Mỹ, không biết phải làm gì với các báo cáo về lượng lớn thiết bị bay không người lái (drone) đáng ngờ liên tục xuất hiện trên căn cứ Langley ở bang Virginia.
Ông đích thân leo lên nóc một tòa nhà trong căn cứ để tận mắt chứng kiến, bên cạnh là các sĩ quan phụ trách những đơn vị tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ, trong đó có chiến đấu cơ tàng hình F-22.
Suốt nhiều đêm, các sĩ quan đã phát hiện hàng loạt vụ xâm phạm không phận bị cấm tại khu vực tập trung nhiều cơ sở liên quan đến an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ. "Những sự việc như vậy thường bắt đầu khoảng 45-60 phút sau khi Mặt Trời lặn", một sĩ quan nói với tướng Kelly.
Ngoài sân bay Langley, những chiếc drone cũng bay qua nơi đóng quân của đặc nhiệm SEAL Team 6 và căn cứ hải quân Norfolk lớn nhất thế giới.
Giới chức Mỹ không biết phi đội drone lạ, với số lượng ít nhất hàng chục chiếc, thuộc sở hữu của những người chơi dân sự hay do đối thủ của Mỹ triển khai. Một số sĩ quan nghi ngờ Nga hoặc Trung Quốc triển khai chúng để thử phản ứng của lực lượng Mỹ.
Pháp luật Mỹ cấm quân đội bắn hạ drone gần các căn cứ quân sự, trừ khi chúng gây ra mối đe dọa cận kề. Hoạt động thăm dò căn cứ không được tính là mối đe dọa, khiến các đơn vị phòng thủ không thể khai hỏa. Một số nhà lập pháp Mỹ đang cố gắng thay đổi quy định, nhằm cho phép quân đội áp dụng những biện pháp ứng phó linh hoạt hơn.
Những chiếc drone đầu tiên xuất hiện gần căn cứ Langley từ tháng 12/2023. Thông tin về chúng được chuyển cho Tổng thống Joe Biden, đánh dấu bắt đầu hai tuần họp căng thẳng tại Nhà Trắng. Bộ Quốc phòng Mỹ, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Văn phòng UFO thuộc Lầu Năm Góc đã thảo luận cùng các chuyên gia độc lập để đưa ra lời giải thích khả dĩ và cách ứng phó.
Đây không phải lần đầu giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại về các vụ drone xâm nhập vùng trời bị cấm. Tháng 10/2023, 5 chiếc drone bay qua Cơ sở An toàn Hạt nhân Quốc gia Nevada, địa điểm được Mỹ sử dụng cho những cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử.
Giới chức Mỹ không biết ai đã điều khiển những chiếc drone ở Nevada và lý do chúng xuất hiện, nhưng khẳng định cơ sở tại Nevada đã nâng cấp hạ tầng chuyên phát hiện và đối phó drone.
Những sự việc này cho thấy thế khó của Mỹ khi đối phó drone ngay trên lãnh thổ của mình. Drone đã trở thành vũ khí nguy hiểm và chi phí thấp, có khả năng do thám hoặc mang chất nổ để tập kích mục tiêu. Tuy nhiên, bắn hạ drone đáng ngờ trên không phận Mỹ lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Trong 17 ngày liên tiếp vào tháng 12/2023, các drone xuất hiện quanh căn cứ Langley lúc chạng vạng, bay đi rồi bay lại. Một số được lắp đèn cỡ nhỏ, khiến chúng trông giống như chòm sao trên bầu trời đêm. Theo dõi chúng gần như là bất khả thi, dù lực lượng tại căn cứ đã huy động nhiều nguồn lực.
Tướng Glen VanHerck, khi đó là chỉ huy Bộ tư lệnh Bắc Mỹ và Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), cho biết drone đã xuất hiện quanh các cơ sở quốc phòng của nước này suốt nhiều năm. Tuy nhiên, phi đội drone ở Langley không giống bất kỳ cuộc xâm nhập nào trước đây.
Tướng VanHerck lệnh cho tiêm kích và các máy bay tại căn cứ tiếp cận những chiếc drone lạ để thu thập manh mối. Ông đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho phép thực hiện mọi biện pháp tác chiến điện tử và gián điệp để tìm hiểu thêm, dù Lầu Năm Góc bị hạn chế về những gì họ có thể làm trên đất Mỹ.
"Nếu vật thể lạ xuất hiện ở Bắc Mỹ, nhiệm vụ của chúng tôi là tìm kiếm và xác định danh tính của chúng", VanHerck nói.
Dù vậy, giải quyết bí ẩn này là điều "nói dễ hơn làm", ngay cả với siêu cường hàng đầu thế giới như Mỹ.
Cảnh sát địa phương là một trong những lực lượng đầu tiên tìm cách đối phó drone. Trong hai đêm, các sĩ quan đã truy đuổi drone cả bằng xe tuần tra lẫn chạy bộ, truyền đạt mọi thông tin mà họ nắm được qua bộ đàm. Tuy nhiên, đường bay phức tạp và khó nắm bắt của chúng khiến họ phải bỏ cuộc.
Tướng Kelly nói rằng Lầu Năm Góc cũng không kém phần bối rối. "Mỹ sẽ làm gì nếu điều này xảy ra tại trung tâm thủ đô Washington?", ông nói.
Loạt vụ drone xâm nhập được báo cáo tới Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia, cơ quan chịu trách nhiệm truyền đạt các thông điệp khẩn cấp tới mọi chỉ huy quân đội Mỹ trên toàn thế giới. Thông tin cũng được gửi đến Nhà Trắng, giúp Tổng thống Biden nắm thông tin trong cuộc họp giao ban hàng ngày.
Giới chức Mỹ cho rằng những người chơi drone nghiệp dư không liên quan đến loạt sự việc, dựa trên cách thức hoạt động phức tạp của chúng.
Các drone thường di chuyển theo đội hình và đường bay nhất định. Một hoặc hai drone cánh cố định bay ở độ cao khoảng 30 m, trong khi những chiếc flycam 4 cánh quạt thường bay thấp và chậm hơn. Đôi khi chúng treo lơ lửng tại chỗ.
Đội hình drone thường đến từ phía bắc vào khoảng 18h, bay qua căn cứ nằm trên bán đảo ở cửa vịnh Chesapeake rồi tiếp tục đi về phía nam, ngoài tầm radar. Chúng lặp lại cách thức di chuyển như vậy liên tục rồi biến mất, thường là vào nửa đêm.
Cố vấn An ninh Nội địa Mỹ Elizabeth Sherwood-Randall đã triệu tập các phiên họp tại Nhà Trắng để tìm cách đối phó. Một người đề xuất phát tín hiệu điện tử nhằm gây nhiễu thiết bị dẫn đường của drone, nhưng những người khác cảnh báo điều này có thể làm gián đoạn mạng lưới phản ứng khẩn cấp 911 và mạng Wi-Fi ở địa phương.
Một đề xuất khác là sử dụng vũ khí năng lượng định hướng để vô hiệu hóa hoặc phá hủy drone. Tuy nhiên, quan chức Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) lo ngại khí tài này tiềm ẩn nguy cơ quá lớn với máy bay thương mại trong mùa du lịch nghỉ lễ cuối năm.
Một số người đề xuất Tuần duyên Mỹ bắn lưới lên không trung để bắt drone. Tuy nhiên, lực lượng này không đủ thẩm quyền sử dụng vũ khí trong trường hợp này, quá trình bám bắt và ngắm trúng drone cũng rất khó khăn.
Các sĩ quan tại Langley kêu gọi tàu hải quân và tàu tuần duyên theo dõi drone đáng ngờ nhưng cũng không gặp may. Chúng nhỏ hơn nhiều so với máy bay quân sự và không phải lúc nào cũng xuất hiện trên radar. Nếu muốn phát hiện được drone, họ phải hiệu chỉnh lại bộ lọc radar, vốn được thiết lập để bỏ qua những vật thể nhỏ như những con chim.
Giới phân tích đánh giá các phi cơ 4 cánh quạt không sử dụng băng tần dành cho drone thương mại thông thường, cho thấy đứng sau chúng không đơn thuần chỉ là những người đam mê drone.
Sở chỉ huy tại Langley phải hủy bỏ nhiệm vụ huấn luyện ban đêm vì lo ngại phi cơ va chạm drone, đồng thời di chuyển các đơn vị tiêm kích tàng hình F-22 đến căn cứ khác.
Không có chiếc drone lạ nào xuất hiện sau ngày 23/12/2023. Chính quyền Mỹ đầu năm nay tìm thấy manh mối mà họ hy vọng có thể giúp giải đáp nghi vấn.
Sáng 6/1, Fengyun Shi, sinh viên 26 tuổi tại Đại học Minnesota, đỗ xe gần Đường 65 và Đường Huntington ở thành phố Newport News ở bang Virginia, cách căn cứ Langley gần 18 km. Chiếc xe dừng ngay bên ngoài nhà máy Huntington Ingalls Industries, công ty chuyên đóng tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay lớp Ford thế hệ mới nhất cho hải quân Mỹ.
Shi nói với những người xung quanh rằng anh đang lái một chiếc drone và nó bị kẹt trên cây. Một người dân đã gọi điện báo cảnh sát Newport News. Các sĩ quan hỏi lý do Shi điều khiển drone trong thời tiết xấu và bảo anh gọi cho sở cứu hỏa để được giúp đỡ.
Một giờ sau, Shi trả xe thuê và đi tàu điện đến Washington, sau đó bay đến California. Chiếc drone tình cờ rơi xuống đất và được chuyển đến các nhà điều tra liên bang. Đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện Shi đã chụp ảnh nhiều tàu hải quân, trong đó có cả những bức ảnh chụp vào khoảng nửa đêm.
Ngày 18/1, các đặc vụ FBI bắt Shi khi anh ta chuẩn bị lên chuyến bay về Trung Quốc bằng vé một chiều. Shi khai bản thân là người đam mê tàu thuyền và không nhận ra drone đã xâm phạm không phận bị cấm.
Cơ quan điều tra không tin lời Shi, nhưng cũng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sinh viên này có liên hệ với giới chức Trung Quốc. Họ xác định rằng Shi đã mua drone tại siêu thị ở San Francisco một ngày trước khi đến khu vực Norfolk.
Các công tố viên Mỹ cáo buộc Shi chụp ảnh trái phép các cơ sở hải quân bí mật. Công dân Trung Quốc nhận tội và hầu tòa liên bang ở Norfolk ngày 2/10.
Thẩm phán Lawrence Leonard tuyên bố không tin câu chuyện Shi đi nghỉ và lái drone vào giữa đêm chỉ để giải trí. "Có những lỗ hổng lớn", thẩm phán nói tại tòa.
"Nếu là gián điệp nước ngoài, anh ta là điệp viên tồi tệ nhất từng được biết đến", Shaoming Cheng, luật sư của Shi, nói.
Sinh viên Trung Quốc bị kết án 6 tháng tù tại nhà giam liên bang.
Dù vậy, giới chức Mỹ vẫn chưa xác định được ai là người lái drone ở căn cứ Langley và tại sao. Nhiều phi đội drone lạ cũng bắt đầu xuất hiện xung quanh căn cứ Edwards, nơi đóng quân của hàng loạt phi đoàn tiêm kích tàng hình F-22, F-35 và các đơn vị thử nghiệm của không quân, hải quân Mỹ.
"Đó không phải vấn đề của ngày mai, mà là vấn đề của hôm nay. Đó là vấn đề chúng ta gặp ở khắp mọi nơi", Tom Karako, thành viên cấp cao từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhóm nghiên cứu an ninh quốc gia tại Mỹ, nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)