"Bản Nghiên cứu về Chiến tranh Thế hệ mới của Nga mà chúng tôi vừa thực hiện là lời cảnh báo về năng lực tác chiến mà Nga đã phát triển", Business Insider ngày 9/10 dẫn lời đại tướng John M. Murray, tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến Tương lai Lục quân Mỹ, chuyên phụ trách hoạt động hiện đại hóa cho bộ binh nước này, nói.
Tướng Murray thừa nhận rằng quân đội Nga và quân đội Trung Quốc sở hữu các loại pháo có tầm bắn xa hơn hầu hết pháo hiện có của Mỹ, buộc Lầu Năm Góc phải thúc đẩy việc phát triển các dự án pháo hiện đại của mình, trong đó có mẫu pháo tầm xa có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 64 km.
Đây không phải lần đầu giới chức quốc phòng Mỹ thừa nhận vũ khí của mình bị vũ khí Nga và Trung Quốc vượt mặt. Báo cáo năm 2015 của Tập đoàn Rand có trụ sở tại Santa Monica, bang California thừa nhận rằng các tổ hợp pháo phản lực của lục quân Mỹ hiện "thua kém về tầm bắn so với các tổ hợp pháo phản lực tương tự của Nga và Trung Quốc", theo Defense News.
Murray cho rằng các hệ thống vũ khí của lục quân Nga và cả Trung Quốc đều đạt những tiến bộ đáng kể, buộc Mỹ phải xem xét vấn đề nghiêm túc hơn. Ông cho hay Mỹ đang theo đuổi dự án phát triển đạn pháo chính xác tầm xa trên cơ sở nghiên cứu lực lượng pháo binh Nga và Trung Quốc.
"Chúng tôi vừa nâng tầm bắn của lựu pháo lên gấp đôi vào tuần trước trong cuộc thử nghiệm tại thao trường Yuma", tướng Murray nói, tiết lộ tầm bắn trong cuộc thử nghiệm này đạt 62 km.
Pháo của Mỹ có thể chiếm ưu thế về chất lượng nhưng Nga lại có lợi thế về số lượng và tầm bắn của pháo, tướng Murray nói. Đại tá John Rafferty, trưởng nhóm phụ trách dự án tăng tầm cho đạn pháo, cho biết để đối phó với lực lượng đông đảo hơn, pháo của Mỹ cần có tầm bắn tối thiểu 70-80 km.
Lục quân Mỹ thậm chí còn có tham vọng phát triển loại pháo chiến lược tầm xa với tầm bắn không tưởng, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 1.800 km.
Nguyễn Tiến