"Quan hệ an ninh của chúng tôi với các đối tác Tây Phi đem tới lợi ích chung, nhằm đạt được mục tiêu là phát hiện, ngăn chặn và giảm tình trạng khủng bố, cũng như tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và xã hội", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết hôm 18/3.
Ông Patel nói rằng Mỹ đang liên lạc với các cơ quan thuộc chính quyền chuyển tiếp ở Niger để làm rõ quan điểm của họ và cùng thảo luận bước tiếp theo.
Chính quyền quân sự Niger thông báo hủy hợp tác quân sự với Mỹ hôm 16/3, một ngày sau khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi Molly Phee và chỉ huy Bộ tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Phi (USAFRICOM) Michael Langley cùng đoàn quan chức tới thăm quốc gia Tây Phi.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói phái đoàn Mỹ đã "thẳng thắn và trực tiếp" bày tỏ quan ngại về cuộc đảo chính ở Niger, cũng như lo ngại về mối quan hệ giữa quốc gia Tây Phi này với Nga và Iran.
Đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger, cáo buộc phái đoàn Mỹ "có ý định phủ nhận quyền của người dân Niger trong lựa chọn đối tác và hình thức phối hợp đủ khả năng giúp đất nước chống lại chủ nghĩa khủng bố".
Quân đội Niger tháng 7/2023 đảo chính và lật đổ cựu tổng thống Mohamed Bazoum, đồng minh của phương Tây. Chính quyền quân sự Niger sau đó yêu cầu quân đội Pháp và các lực lượng châu Âu khác rời đi, chuyển hướng sang tìm kiếm hỗ trợ từ Nga, nhưng chưa có động thái phản đối Mỹ. Mỹ còn khoảng 1.000 binh sĩ đồn trú ở Niger.
Ngọc Ánh (Theo AFP)