"Đại sứ quán Mỹ tại Arab Saudi đang theo dõi thông tin về nguy cơ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) hướng đến Riyadh trong ngày 28/10. Hãy cảnh giác. Nếu bạn nghe thấy tiếng nổ lớn hoặc còi báo động được kích hoạt, hãy lập tức tìm chỗ ẩn nấp", tài khoản Twitter của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua đăng dòng trạng thái cho hay.
Cơ quan ngoại giao Mỹ cũng hướng dẫn những phương án trú tránh khi tên lửa và UAV tấn công, như tìm nơi thấp và kín nhất trong nhà, chạy đến các công trình kiên cố hoặc nằm xuống đất, dùng tay che đầu nếu ở ngoài trời.
Truyền thông nhà nước Arab Saudi sau đó cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 6 UAV mang thuốc nổ. Hiện chưa rõ số UAV này được phóng từ đâu.
Cuộc tấn công không gây thiệt hại, nhưng cũng cho thấy sự nguy hiểm từ các loại UAV và tên lửa hành trình giá rẻ. "Điều này đã quá rõ ràng trong những xung đột gần đây, nhưng mối đe dọa nhằm vào thủ đô của một nước đồng minh chủ chốt, được bảo vệ bởi những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới, cho thấy khó khăn khi đối phó với những đòn tập kích bằng vũ khí giá rẻ với độ chính xác cao trong thời đại này", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Sự phổ biến của UAV đã mang tới nhiều mối đe dọa, trong khi chưa có phương án đối phó thật sự hiệu quả. Chúng thường có mức giá tương đối rẻ và mang được khối lượng thuốc nổ đủ lớn để gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự và dân sự quan trọng. Tầm bay và độ chính xác của UAV giá rẻ cũng ngày càng được nâng cao.
Đây là vũ khí ưa thích của nhiều nhóm phiến quân và khủng bố. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) từng dùng hàng chục UAV tự sát để phá hủy xe thiết giáp Iraq trong chiến dịch tại Mosul năm 2016. Quân đội Nga cũng từng nhiều lần chặn đứng âm mưu tấn công sân bay Hmeymim và quân cảng Tartus bằng UAV của phiến quân Syria, trong đó vũ khí chủ chốt được Nga sử dụng là tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1, Tor và các hệ thống tác chiến điện tử.
Những hệ thống phòng không Patriot PAC-3 tối tân của Arab Saudi từng bất lực trước đòn tập kích bằng hàng chục tên lửa hành trình và UAV tự sát của phiến quân Houthi hồi năm 2018, gây hư hỏng nghiêm trọng những nhà máy lọc dầu lớn nhất của nước này.
Máy bay không người lái và UAV tự sát do Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chế tạo, cũng như hàng loạt phi cơ nội địa của Azerbaijan đang khiến Armenia mất lượng lớn xe tăng thiết giáp, pháo binh và tên lửa phòng không trong xung đột tại Nagorno-Karabakh.
Vũ Anh (Theo Drive)