"Do việc lây nhiễm khi không có hoặc chưa có triệu chứng là vấn đề nghiêm trọng, hướng dẫn mới sẽ tăng cường yêu cầu xét nghiệm người không triệu chứng, bao gồm người từng tiếp xúc gần với ca nhiễm nCoV", thông báo trên trang của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 18/9 có đoạn.
Thay đổi được đưa ra sau khi CDC vấp nhiều chỉ trích về hướng dẫn tháng trước, trong đó nêu rằng người từng tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 không nhất thiết phải làm xét nghiệm nếu không có triệu chứng.
Giới chuyên gia y tế cộng đồng ủng hộ thay đổi của CDC khi cho rằng nghiên cứu chỉ ra người nhiễm không triệu chứng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất lớn.
"Thật tốt khi thấy khoa học và bằng chứng thực tế đóng vai trò quan trọng cho việc thay đổi", Scott Becker, giám đốc điều hành của Hiệp hội Phòng thí nghiệm Y tế Cộng đồng, nói. "Chúng ta đã mất một vài tuần lộn xộn".
"Tôi rất vui khi thấy sự thay đổi này và rõ ràng đây là điều cần phải làm", tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Brown, nói. Tuy nhiên, ông lo lắng danh tiếng của CDC sẽ bị tổn hại lâu dài do các thay đổi liên tiếp này.
Hướng dẫn cũ được công bố hôm 24/8 đã dẫn tới làn sóng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng khoa học và cả đối tác CDC, gồm Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cơ quan đã kêu gọi các thành viên của họ tiếp tục xét nghiệm cho người nhiễm nCoV bất chấp hướng dẫn của CDC.
"Việc quay lại cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học để đưa ra hướng dẫn xét nghiệm của CDC là tin tốt đối với y tế cộng đồng", tiến sĩ Thomas File, chủ tịch hiệp hội trên nói.
Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra mọi người có thể lây nhiễm virus ngay cả khi không có triệu chứng. Một số nghiên cứu thậm chí cho biết thời điểm họ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là một ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, khi lượng virus trong cơ thể ở mức cao nhất.
Sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích từ cộng đồng khoa học, giám đốc CDC Robert Redfield tháng trước đã cố gắng làm rõ quan điểm của cơ quan khi nói rằng xét nghiệm "có thể được cân nhắc" với người nhiễm không triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng hướng dẫn này không rõ ràng, gây hoang mang và khiến vấn đề trở nên rối loạn hơn.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo gần 7 triệu ca nhiễm và hơn 203.000 người chết vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát. Song tình hình dịch dường như đang cải thiện, khi Đại học Johns Hopkins tuần trước công bố dữ liệu cho thấy số người chết mỗi ngày gần đây thấp hơn so với mức trung bình hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày cũng giảm từ 67.000 xuống 40.000.
Thanh Tâm (Theo WSJ, NYTimes)