Khuyến nghị sửa đổi được ban hành ngày 7/6. Trước đó, vì tình trạng khan hiếm, cơ quan cho phép khử khuẩn và dùng lại các loai khẩu trang y tế và mặt nạ bảo hộ loại N95.
"Dựa trên những hiểu biết mới nhất về độ hiệu quả và thiết kế, FDA khuyến cáo nhân viên y tế không tái sử dụng một số loại khẩu trang hoặc mặt nạ chống độc", cơ quan viết trên thông báo chính thức.
Danh sách bao gồm nhiều nhãn hiệu khẩu trang 3M đến từ Trung Quốc.
Theo chỉ dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) trước đó, y bác sĩ chỉ nên đeo khẩu trang y tế nhiều hơn một lần nếu thiếu hụt các sản phẩm được hai cơ quan liên bang phê duyệt.
Thử nghiệm của hai cơ quan đã chỉ ra rằng một số loại khẩu trang Trung Quốc "có sự khác biệt về độ hiệu quả và cấu tạo", kém an toàn nếu sử dụng lại, ngay cả khi đã khử trùng.
Trước đó, FDA đã cấm nhập khẩu một số sản phẩm từ đại lục, sau khi tiến hành kiểm tra và đánh giá chất lượng.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, những người làm việc trên tuyến đầu luôn được khuyến cáo bảo hộ đầy đủ với găng tay, tấm chắn giọt bắn, trang phục và mặt nạ phòng độc. Tuy nhiên, việc liệu công chúng có nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng hay không gây ra nhiều tranh cãi. Ban đầu, nhà chức trách các nước khuyến cáo không sử dụng khẩu trang y tế đại trà trong cộng đồng đối với người không có triệu chứng viêm hô hấp.
Tuy nhiên, ngày 5/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã điều chỉnh hướng dẫn, yêu cầu người dân sử dụng khẩu trang vải tại những khu vực có dịch bệnh, đồng thời để tất cả bác sĩ và nhân viên đeo khẩu trang y tế suốt ca làm việc.
Thục Linh (Theo NY Times)