"Nga chỉ có thể sản xuất vài mẫu tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân Burevestnik vì loại vũ khí này vẫn chưa trải qua lần thử nghiệm thành công nào và có chi phí phát triển quá đắt đỏ", CNBC cuối tuần trước dẫn nguồn tin thông thạo báo cáo tình báo Mỹ về chương trình vũ khí của Nga.
Burevestnik là "siêu tên lửa hành trình" được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hồi năm ngoái và được cho là có tầm bắn không giới hạn nhờ trang bị một động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Với tầm bắn này, Nga tin rằng Burevestnik có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa của đối phương nhờ áp dụng đường bay từ những hướng khó lường nhất.
Tuy nhiên, tình báo Mỹ chỉ ra rằng Burevestnik mới chỉ được thử nghiệm một lần trong năm nay. Trước đó, Nga tiến hành 4 vụ phóng thử Burevestnik từ tháng 2/2018 đến tháng 11/2018 nhưng đều thất bại khi tên lửa đâm xuống đất sau khi bay một đoạn ngắn. Quãng đường dài nhất mà tên lửa này bay được trong các vụ thử nghiệm là hơn 35 km.
Các chuyên gia của Diplomat cho rằng vụ thử mới nhất của tên lửa Burevestnik chỉ "thành công một phần", đồng nghĩa với việc loại vũ khí này chưa hoạt động như mong đợi. Chưa có quốc gia nào trên thế giới phát triển thành công tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân, dù Mỹ từng ấp ủ ý tưởng này cách đây nhiều năm.
Tình báo Mỹ đánh giá rằng Nga có thể mất tới một thập kỷ nghiên cứu, phát triển nữa mới có thể giúp tên lửa Burevestnik đạt trạng thái chiến đấu, nhưng Moskva cũng chỉ có thể sản xuất được số lượng hạn chế "siêu tên lửa" này do giá thành của chúng quá đắt đỏ, có thể quá sức đối với ngân sách quốc phòng Nga.
Nga từng tuyên bố phát triển nhiều loại vũ khí thế hệ mới như xe tăng T-14 Armata hay tiêm kích tàng hình Su-35, nhưng đều không đưa vào sản xuất hàng loạt do giá thành quá cao. Thay vì đặt mua số lượng lớn các vũ khí mới này, quân đội Nga ưu tiên nâng cấp các vũ khí hiện có như xe tăng T-72, T-90 và tiêm kích thế hệ 4 như Su-30, Su-35 để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.