Khi được hỏi liệu Mỹ có nên lo lắng chiến tranh hạt nhân sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đặt lực lượng răn đe chiến lược nước này trong tình trạng báo động cao hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/2 trả lời: "Không".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng Washington không thấy "có lý do gì" để thay đổi mức độ báo động của lực lượng hạt nhân Mỹ, và một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết Lầu Năm Góc không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào ở Nga.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby nói rằng Lầu Năm Góc tiếp tục "xem xét, phân tích và giám sát" trạng thái của lực lượng hạt nhân Nga. "Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cảm thấy yên tâm về vị thế răn đe chiến lược của Mỹ cũng như khả năng của chúng tôi trong bảo vệ đất nước", Kirby nói với phóng viên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/2 yêu cầu Bộ Quốc phòng lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ và chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Nga sở hữu khoảng hơn 4.400 đầu đạn hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ, vốn là xương sống của lực lượng răn đe chiến lược.
Giới chức Mỹ gọi lệnh này là "nguy hiểm" và "leo thang". Giới chức tại Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đang cố gắng xác định hành động nào đang được thực hiện để đáp lại lệnh này.
"Những ngôn từ mang tính khiêu khích này rất nguy hiểm, làm tăng thêm nguy cơ tính toán sai lầm. Từ lâu Mỹ và Nga đã thống nhất rằng sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tàn khốc", Price nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 28/2 cũng nói rằng nước này không phát hiện thay đổi đáng kể nào trong lực lượng hạt nhân Nga, bất chấp lệnh chuyển cấp báo động do Tổng thống Putin đưa ra.
Răn đe hạt nhân, khái niệm có từ thời Chiến tranh Lạnh, được các cường quốc sở hữu vũ khí nguyên tử sử dụng để ngăn chặn mọi đòn tấn công hạt nhân, với niềm tin rằng bất cứ động thái nào như vậy đều dẫn đến kịch bản hủy diệt lẫn nhau.
Khi Liên Xô và Mỹ chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân, Washington đã áp dụng chiến lược răn đe hạt nhân như vậy. Điều này có nghĩa nếu Liên Xô hoặc quốc gia nào tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ phản ứng nhanh chóng và phát động đòn trả đũa thậm chí còn lớn hơn, tạo ra sức răn đe hiệu quả với bất cứ hành động phiêu lưu nào.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2 và đang tăng cường bao vây các thành phố lớn, tiến gần hơn tới thủ đô Kiev. Quân Nga nỗ lực khép vòng vây với thành phố Chernihiv và Mariupol, đồng thời nhiều khả năng sẽ tìm cách tiếp tục tiến vào Kharkov. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi quân đội Nga hạ vũ khí và rời khỏi nước này, đồng thời cảnh báo "hàng nghìn binh sĩ Nga đã thiệt mạng" kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết khoảng 5.300 lính Nga đã thiệt mạng, trong khi 191 xe tăng, 29 chiến đấu cơ, 29 trực thăng và 816 xe bọc thép của lực lượng này cũng bị phá hủy. Nga chưa phản hồi về thông tin.
Phái đoàn Nga và Ukraine hôm 28/2 bắt đầu đàm phán tại Belarus. Hai bên kết thúc cuộc đàm phán đầu tiên trong khoảng 5 giờ để trở về thủ đô tham vấn lãnh đạo và đều tỏ ý sẵn sàng duy trì đối thoại.
- 9 điểm chính sau năm ngày chiến sự ở Ukraine
- Những yếu tố kìm chân chiến dịch tấn công Ukraine của Nga
- Tổn thất với Nga khi bị loại khỏi SWIFT
- Phương Tây tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine
- Nga có thể đang đổi chiến thuật ở Ukraine
Huyền Lê (Theo AFP)