"Chúng tôi sẽ không bỏ qua cho bất cứ ai gây nguy hại cho các binh sĩ Mỹ. Chúng tôi sẽ quyết tâm bảo vệ quyền tự do đi lại tại các tuyến hàng hải quốc tế. Đây là điều mà Trung Quốc cần phải hiểu. Hành động của họ là động thái khiêu khích quá mức", Washington Free Beacon ngày 12/10 dẫn tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đề cập đến việc Trung Quốc điều chiến hạm áp sát khu trục Mỹ tại Biển Đông hồi cuối tháng 9.
Trung Quốc ngày 30/9 điều một tàu chiến thuộc lớp Lữ Dương II (Type 052C) nhằm cản trở khu trục hạm USS Decatur của Mỹ tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hải quân Mỹ xác nhận tàu chiến Trung Quốc cơ động càng lúc càng gần khu trục hạm Mỹ, đồng thời phát cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực. Có thời điểm chiếc Type-052C vượt lên, chạy kiểu cắt mặt cách mũi tàu USS Decatur khoảng 41 m, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.
Bolton nhấn mạnh sự cố chạm mặt giữa tàu chiến hai nước lần này là một ví dụ điển hình về hành vi nguy hiểm của Trung Quốc và các chỉ huy hải quân Mỹ hoàn toàn có khả năng bảo vệ chiến hạm của họ theo đúng quy định và thẩm quyền.
Cố vấn Mỹ cho rằng dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, Trung Quốc từng nhiều lần không bị trừng phạt khi có hành động gây hấn, đe dọa tàu chiến và máy bay Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump là người cứng rắn và sẽ có biện pháp đáp trả khiến Bắc Kinh phải bối rối.
"Họ chưa từng thấy tổng thống Mỹ nào cứng rắn như vậy trước đây. Tôi cho rằng hành vi của họ cần được điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại, quốc tế, quân sự, chính trị và toàn bộ những lĩnh vực khác", Bolton nói.
Bolton cũng khẳng định Mỹ và đồng minh cần hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. "Họ cần nhận thức được rằng họ không thể tạo ra 'một việc đã rồi'. Biển Đông đã và sẽ không phải là một tỉnh của Trung Quốc", cố vấn này tuyên bố.
Căng thẳng trên Biển Đông gần đây gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Lầu Năm Góc giữa tháng 6 tuyên bố cân nhắc về một chiến dịch tự do hàng hải cứng rắn hơn trên Biển Đông. Động thái có thể bao gồm việc tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu hơn hoặc tiến gần các đảo nhân tạo Trung Quốc cải tạo trái phép.
Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS, đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.