Theo cáo trạng hôm 17/2, Jon Chang Hyok, 31 tuổi, Kim Il, 27 tuổi, và Park Jin Hyok, 36 tuổi, đã đánh cắp tiền khi làm việc cho các cơ quan tình báo quân sự Triều Tiên. Park từng bị truy tố trong một vụ án khác năm 2018.
Bộ Tư pháp Mỹ cho hay các tin tặc chịu trách nhiệm cho một loạt hoạt động tội phạm và xâm nhập, bao gồm tấn công trả đũa hãng Sony Pictures năm 2014 vì hãng này đã sản xuất "The Interview", bộ phim giả tưởng có nội dung ám sát lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhóm này bị cáo buộc đã nhằm vào các nhân viên AMC Theatres và xâm nhập vào máy tính của Mammoth Screen, công ty Anh đang thực hiện phim truyền hình dài tập về Triều Tiên.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc ba người này đã tham gia vào việc tạo ra phần mềm mã độc WannaCry 2.0, gây ảnh hưởng nặng tới Cơ quan Y tế Anh năm 2017.
Cáo trạng cũng cho rằng nhóm tin tặc đã đột nhập vào các ngân hàng khắp Nam Á, Đông Nam Á, Mexico và châu Phi, bằng cách xâm nhập vào mạng của các tổ chức tài chính, lợi dụng giao thức SWIFT để đánh cắp tiền. Họ cũng bị buộc tội đã triển khai các ứng dụng mã độc từ tháng 3/2018 tới tháng 9/2020 để đánh cắp tiền điện tử.
Hiện chưa rõ tổng số tiền nhóm tin tặc đánh cắp được vì một số vụ thất bại. Nhưng con số có thể lên tới hơn 1,3 tỷ USD bởi chỉ riêng một vụ trộm năm 2016 nhằm vào Ngân hàng trung ương Bangladesh, các tin tặc bị cáo buộc đã đánh cắp hơn 81 triệu USD.
"Các đặc vụ Triều Tiên, sử dụng bàn phím thay vì súng ống, ăn cắp ví tiền điện tử thay vì hàng bao tải tiền mặt, là những tên cướp ngân hàng quốc doanh khét tiếng thế kỷ 21", Thứ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers nói trong buổi họp báo.
Kristi Johnson, trợ lý giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phụ trách Văn phòng Los Angeles, cho biết ba tin tặc này được cho là đang ở Triều Tiên. Các nghi phạm từng ở tại nhiều nước, bao gồm Trung Quốc và Nga. Phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York không trả lời yêu cầu bình luận. Đại sứ quán Trung Quốc và Nga tại Washington cũng chưa lên tiếng.
Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, trong buổi họp báo thường nhật hôm 17/2 tuyên bố các hoạt động tin tặc của Triều Tiên đe dọa Mỹ và đồng minh sẽ được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa vào đánh giá đang diễn ra về chính sách của Mỹ với Triều Tiên.
Triều Tiên đã kiếm được tổng cộng khoảng 2 tỷ USD bằng cách sử dụng các cuộc xâm nhập kỹ thuật số "phạm vi ngày càng rộng và mức độ ngày càng tinh vi" nhằm vào các ngân hàng và sàn giao dịch tiền điện tử, theo một báo cáo năm 2019 của Liên Hợp Quốc do các chuyên gia độc lập theo dõi lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng thực hiện.
"Tổng số vụ trộm cắp tài sản ảo của Triều Tiên từ năm 2019 tới tháng 11/2020" ước tính 316,4 triệu USD, theo báo cáo.
Các quan chức Mỹ hôm 17/2 cũng cho hay Ghaleb Alaumary, một công dân Mỹ gốc Canada, đã nhận tội rửa tiền cho nhóm tin tặc. Luật sư của Alaumary không trả lời yêu cầu bình luận. Alaumary dự kiến bị xét xử vào tháng 5 tại tòa án liên bang ở Georgia.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)