Viện trợ cho Ukraine đang là một trong những vướng mắc lớn nhất giữa Nhà Trắng và Hạ viện Mỹ trong vấn đề ngân sách. Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn bất cứ dự luật ngân sách nào cũng phải bao gồm khoản viện trợ quân sự và nhân đạo 24 tỷ USD cho Ukraine, trong khi các thành viên cứng rắn trong đảng Cộng hòa tại Hạ viện kiên quyết phản đối, khiến chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ đóng cửa.
ABC News ngày 25/9 công bố kết quả khảo sát thực hiện cùng Washington Post, cho thấy 41% người được hỏi nói Mỹ đang làm quá nhiều để hỗ trợ Ukraine, tăng từ mức 33% vào tháng 2 và 14% và tháng 4/2022. 1/2 số người được hỏi cho rằng Mỹ hỗ trợ vừa đủ hoặc quá ít, so với 60% ghi nhận tháng trước và 73% ghi nhận trong những tháng đầu chiến sự.
Những thực tế này có thể khiến Tổng thống Biden gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực tăng ủng hộ cho Ukraine, trong bối cảnh Washington đã chi hơn 100 tỷ USD giúp đỡ Kiev trong cuộc chiến với Nga, trở thành bên hỗ trợ nhiều nhất.
Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/9 thăm Mỹ lần hai để thúc đẩy sự ủng hộ đối với gói viện trợ 24 tỷ USD, các thành viên đảng Cộng hòa ngày càng tỏ rõ hoài nghi về nỗ lực viện trợ xung đột. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã từ chối đề nghị tổ chức phiên họp lưỡng viện quốc hội để ông Zelensky có thể phát biểu trước các nghị sĩ.
Trong hơn năm rưỡi qua, Tổng thống Biden đã giữ lập trường vững chắc về viện trợ của Mỹ. Quốc hội Mỹ tới nay đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó có 49,6 tỷ USD viện trợ quân sự, 28,5 tỷ USD viện trợ kinh tế, 13,2 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo và 18,4 tỷ USD để tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng Mỹ nhằm duy trì nguồn cung vũ khí cho Kiev.
Nhà Trắng cho biết đã chi 91% ngân sách viện trợ được phân bổ. Chính quyền hiện đề nghị quốc hội phê duyệt gói bổ sung 24 tỷ USD, trong đó có 14 tỷ USD viện trợ quân sự. Tuy nhiên, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ viện trợ thêm suy giảm kết hợp với sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa khiến gói bổ sung này trở nên bấp bênh.
Alyssa Demus, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại tổ chức RAND Corporation, nói rằng nếu không có viện trợ bổ sung, chiến dịch phản công của Ukraine có thể bị đình trệ trong nhiều tuần. Điều này sẽ gửi đi tín hiệu tiêu cực cho Kiev, khi họ đang đạt một số tiến bộ đáng khích lệ trên chiến trường.
Khi mùa đông đến, Ukraine sẽ phải cắt giảm hoạt động quân sự bất kể viện trợ của Mỹ có hay không, theo Demus. Song chuyên gia này cho rằng một gói viện trợ mới của Mỹ sẽ tác động lớn hơn, vượt phạm vi chiến trường.
"Mỹ có xu hướng trở thành hình mẫu cho các nước khác trong hỗ trợ Ukraine. Nếu Mỹ không hành động, các đồng minh và đối tác châu Âu có thể cân nhắc lại khả năng viện trợ của họ cho Kiev", bà nói.
Bất chấp lập trường kiên định của chính quyền Biden về viện trợ bổ sung cho Ukraine, ngày càng nhiều chính trị gia Cộng hòa thể hiện thái độ gay gắt với hoạt động này.
"Chúng ta không có lợi ích quốc gia ở Ukraine. Ngay cả khi có, nó cũng bị lấn át bởi thực tế rằng chúng ta không có tiền", thượng nghị sĩ Rand Paul tuyên bố.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng nói rằng ông quá mệt mỏi với các yêu cầu bổ sung ngân sách viện trợ từ Nhà Trắng. "Đó không phải là tiền của chúng tôi. Đó là tiền của người dân Mỹ", ông nói.
Quan điểm phổ biến của ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa là ngân sách Mỹ nên được tập trung cho các ưu tiên khác, đặc biệt là cho vấn đề trong nước như an ninh biên giới, cứu trợ thiên tai và kiểm soát tội phạm, thay vì chi cho Ukraine.
Viện trợ của Mỹ đối với Ukraine không lớn nếu so với ngân sách 751 tỷ USD mà nước này chi cho quốc phòng năm 2022, hay 1,2 nghìn tỷ USD cho trợ cấp hưu trí an sinh xã hội. Viện trợ cho Kiev cũng chỉ chiếm 1,8% tổng chi tiêu của Mỹ trong năm tài khóa 2022.
Song gần 80 tỷ USD hỗ trợ tính đến cuối tháng 7 là con số lớn hơn ngân sách hàng năm của nhiều cơ quan liên bang.
Nhiều người Mỹ cho rằng các đồng minh nên san sẻ nhiều hơn gánh nặng chi phí của cuộc chiến. "Châu Âu cần làm nhiều hơn. Sự hỗ trợ của chúng tôi nên phụ thuộc vào cách họ làm điều đó", Ron DeSantis, thống đốc Florida, nói trong cuộc tranh luận ở Wisconsin tháng trước.
Mỹ đóng góp hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhiều hơn các đồng minh, song về tổng viện trợ, các quốc gia châu Âu, riêng lẻ hoặc trong EU, đã cam kết chi 140 tỷ USD cho Ukraine.
Luke Coffey, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, cho rằng việc so sánh dựa trên số tiền thực tế mà các nước chi cho Ukraine đang không phản ánh đúng vai trò của các đối tác, đồng minh Mỹ.
"Bạn không thể so sánh những gì Mỹ đang làm ở Ukraine với những hành động của những nước như Estonia. Quốc gia châu Âu này có quy mô nền kinh tế chỉ bằng bang Vermont của Mỹ", ông nói.
Coffey tin rằng cách so sánh tốt nhất là dựa trên tỷ lệ đóng góp so với GDP của các nước. Theo dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tính tới cuối tháng 7, Na Uy là nước có tỷ lệ viện trợ tính theo GDP cao nhất với mức 1,71%. Litva, Estonia và Latvia lần lượt xếp các vị trí tiếp theo, khi đều ở mức hơn 1%.
Dù vậy, các nghị sĩ Cộng hòa vẫn cho rằng Mỹ đã đóng góp quá nhiều. Rand Paul, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky, tuyên bố sẵn sàng chặn bất kỳ dự luật ngân sách mới nào của chính phủ nếu bao gồm gói viện trợ cho Ukraine.
"Tôi đã thông báo cho lãnh đạo quốc hội và Tổng thống Biden rằng tôi sẽ không đồng ý thông qua bất kỳ gói ngân sách nào có điều khoản tăng thêm viện trợ của Mỹ cho Kiev", Paul thông báo trên Twitter.
Thanh Tâm (Theo BBC)