Một giàn khoan dầu của BP ở Vịnh Mexico. Ảnh: PA. |
Hãng dầu quốc doanh ONGC của Ấn Độ là công ty mới nhất đặt cược vào cơn sốt dầu ở Cuba.
Trong khi đó, các quan sát viên đang thắc mắc liệu Mỹ có thể chịu để tuột khỏi tay nguồn năng lượng quý giá chỉ cách đảo Key West có 80 km hay không?
Viễn cảnh những quốc gia như Trung Quốc, Venezuela và Ấn Độ đua nhau khai thác nguồn dầu của Cuba khiến cho một số chính trị gia Mỹ lên tiếng kêu gọi nới lỏng lệnh cấm vận. Họ muốn các công ty dầu của nước này cũng được phép đấu thầu giành quyền tìm kiếm dầu ở Cuba và các luật về môi trường nới lỏng cho phép khoan dầu ở vùng biển thuộc chủ quyền Mỹ gần đó.
Cuba ký hiệp định phân chia lãnh hải trong Vịnh Mexico với Mỹ và Mexico từ năm 1977.
Báo cáo thăm dò địa chất của Mỹ công bố hồi năm ngoái ước tính có khoảng 4,6 tỷ thùng dầu và 277 tỷ m3 khí tự nhiên trong vùng biển thuộc quốc gia Trung Mỹ. Trong khi đó, nguồn dự trữ dầu ở khu bảo tồn thiên nhiên của Alaska – đảng Cộng hòa hồi năm ngoái đã thất bại khi tìm cách cho phép khoan dầu ở đây – ước tính khoảng 10 tỷ thùng.
Cuba đã phân vùng lãnh hải rộng 112.000 km2 của mình thành 59 khu vực khai thác và mở cửa cho các công ty nước ngoài năm 1999. Các cuộc khoan thử nghiệm ban đầu và giá dầu tăng khiến cho nguồn dầu dưới biển sâu trở thành một viễn cảnh đầy hứa hẹn.
Sáu công ty nước ngoài đã ký quyền khai thác 16 khu, Fidel Rivero - tổng giám đốc công ty dầu quốc doanh CUPET của Cuba - cho biết.
Công ty Sherritt của Canada giành quyền tìm kiếm tại bốn khu và cùng với Trung Quốc, nước này đang tham gia sản xuất dầu ở Cuba.
Công ty ONGC của Ấn Độ hôm chủ nhật mới thông báo quyết định đầu tư vào hai khu. Hồi tháng 5, ONGC cũng đồng ý tham gia 30% cổ phần trong một công ty liên doanh tìm kiếm dầu tại 6 khu vực khác, cùng với Repsol YPF của Tây Ban Nha, 30% còn lại do Norsk Hydro thuộc Na Uy nắm.
Jorge Pinon, nhà tư vấn năng lượng tại Học viện Nghiên cứu Cuba và Người Mỹ gốc Cuba tại Đại học Miami, bình luận sự tham gia của Norsk Hydro – một nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới – rất đáng lưu tâm.
“Điều này cho thấy vùng này có rất nhiều khả năng sản xuất dầu ở số lượng lớn", ông bình luận. "Tuy nhiên, cho dù chất lượng dầu ở đây cao, cũng sẽ phải mất ít nhất 5 năm trước khi hoạt động sản xuất có thể thực sự diễn ra".
Cuộc tranh cãi về tiềm năng dầu khí của Cuba đã gây sóng gió tại Quốc hội Mỹ. Mùa hè này, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa Jeff Flake và Larry Craig đã đưa ra hai dự luật riêng rẽ tại Hạ và Thượng viện, đề nghị cho phép ngành dầu của Mỹ không chịu tác động của lệnh cấm vận.
Ông Flake, đại diện bang Arizona, miêu tả lệnh cấm vận thương mại với Cuba là “chính sách lỗi thời”: “Chính sách hiện giờ không phục vụ những nhu cầu năng lượng, mối quan tâm về môi trường hay những nguyên tắc kinh tế của chúng ta”.
Hai nghị sĩ đảng Dân chủ ở bang Florida – thượng nghị sĩ Bill Nelson và hạ nghị sĩ Jim Davis – thì đáp trả bằng một dự luật khác. Theo đó, lãnh đạo những công ty dầu nước ngoài khoan dầu trong lãnh hải Cuba sẽ không được cấp visa vào Mỹ. Họ cảnh báo về mối đe dọa môi trường, nếu khoan dưới đáy biển dẫn tới tràn dầu.
“Quần đảo Florida Keys và nền du lịch của bang có thể gặp nguy hiểm, chưa nói gì tới 8 tỷ USD mà Quốc hội đầu tư để khôi phục khu đầm lầy Everglades”, ông Nelson nhận xét.
Mặc dù ít ai tin rằng triển vọng dầu tại Cuba có thể ngay tức thì dẫn tới việc chấm dứt lệnh cấm vận đã kéo dài hàng thập kỷ, nhiều người cho rằng đây là một bước đi theo hướng đó.
Bản đồ vùng biển của Cuba. Ảnh: BBC. |
Daniel Erikson, thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách của Washington mang tên Đối thoại Giữa các quốc gia châu Mỹ, cho biết Cuba từng tuyên bố họ sẵn sàng hoan nghênh các công ty Mỹ tìm kiếm dầu trong vùng biển của mình.
“Các công ty dầu khí ở Texas và những nơi khác tỏ ra khá quan tâm”, ông nhận định. Nhưng Erikson cũng nói thêm. "Ít công ty có trình độ công nghệ khoan đủ sâu tới mỏ dầu dưới đáy biển của Cuba. Và nếu đúng là như vậy, việc khai thác dầu sẽ tốn kém. Các công ty sẽ không nhiệt tình với việc thay đổi luật ở Mỹ, chừng nào họ chưa nắm chắc Cuba đúng là có nguồn dự trữ lớn. Vì thế, sự quan tâm hiện nay chưa nhất thiết là đến mức dỡ bỏ lệnh cấm vận”.
M.C. (theo BBC)