Sau cuộc họp nội các hôm 24/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay sẽ sớm ký "thỏa thuận khoáng sản" quan trọng với Ukraine. Vài ngày sau, ông tuyên bố Mỹ phải sở hữu đảo Greenland, nơi có nguồn dự trữ khoáng sản dồi dào.
Giới quan sát cho rằng ông Trump đang muốn nỗ lực đảm bảo nguồn khoáng sản mà Mỹ cần cho ngành sản xuất từ điện thoại tới máy bay chiến đấu. Nhưng ngay cả khi ông Trump ký được các thỏa thuận lớn giúp Mỹ tiếp cận nhiều mỏ khai thác hơn, các công ty Mỹ có thể vẫn phải gửi khoáng sản tới Trung Quốc, đối thủ địa chính trị hàng đầu, để xử lý.
Một ví dụ điển hình cho vấn đề hóc búa này là đất hiếm, loại khoáng sản được sử dụng cho ngành công nghiệp quốc phòng và là trọng tâm trong thỏa thuận với Ukraine.
"Chúng tôi cần rất nhiều đất hiếm. Họ có những loại đất hiếm tuyệt vời", ông Trump nói.
Mỹ thực tế sở hữu nguồn đất hiếm dồi dào, nhưng nước này phải phụ thuộc vào Trung Quốc để tinh chế chúng. Năng lực chế biến khoáng sản của Mỹ đã suy giảm, trong khi Trung Quốc đã trở thành nước tinh chế hàng đầu thế giới về đất hiếm, coban, đồng và nhiều loại kim loại khác.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trao đổi với Phó tổng thống Mỹ JD Vance (phải) trong khi Tổng thống Donald Trump lắng nghe tại Nhà Trắng ngày 28/2. Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu trước quốc hội đầu tháng này, ông Trump nói đã có kế hoạch "hành động lịch sử" để mở rộng sản xuất khoáng sản quan trọng và đất hiếm ở Mỹ. Ông gần đây ký sắc lệnh hành pháp để đơn giản hóa việc cấp phép và bổ sung ngân sách chính phủ cho các dự án khoáng sản mới trong nước, gồm cả cơ sở chế biến.
"Tổng thống Trump từ lâu cam kết khai thác tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có của Mỹ, gồm cả khoáng sản quan trọng", Anna Kelly, phó thư ký báo chí Nhà Trắng, nói.
Việc Mỹ đánh mất vị thế về năng lực chế biến khoáng sản là một ví dụ của quá trình phi công nghiệp hóa ở nước này. Mỹ đã ngừng sản xuất các sản phẩm chủ chốt, gồm cả tàu container, một số thành phần dược phẩm và máy công cụ, vì việc sản xuất chúng ở nước ngoài rẻ và hiệu quả hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Mỹ khai thác khoảng 12% nguồn cung đất hiếm của thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Hầu hết lượng này được khai thác từ mỏ Mountain Pass ở California.
Nhưng Mỹ xuất khẩu hai phần ba đất hiếm khai thác được sang Trung Quốc, quốc gia tinh chế 85% đất hiếm trên toàn thế giới. Các công ty Trung Quốc sau đó biến quặng thành sản phẩm cuối cùng gọi nam châm đất hiếm và xuất khẩu trở lại Mỹ.
Tương tự, Mỹ cũng phải xuất phần lớn nguồn quặng đồng đến Trung Quốc và gửi quặng niken tới Canada để chế biến.
"Khâu xử lý và tinh chế quặng thực sự quan trọng, nhưng chúng hiện do Trung Quốc nắm giữ", Morgan Bazilian, giám đốc Viện Payne tại Đại học Mỏ Colorado, nói. Ông thêm rằng với nỗ lực hiện tại của Trung Quốc, nước này khó có thể đánh mất vị thế thống trị trong lĩnh vực tinh chế quặng.
Trước thập niên 1990, Mỹ vẫn là nước tinh chế khoáng sản và kim loại hàng đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc sau đó chiếm lĩnh vị trí này, nhờ nguồn lao động giá rẻ cùng các quy định "dễ thở" hơn về bảo vệ môi trường. Nhu cầu về nguyên liệu thô của các nhà sản xuất Trung Quốc trong thời kỳ kinh tế bùng nổ cũng giúp thúc đẩy lĩnh vực này.
Ngày nay, các nước trên thế giới khó có thể cạnh tranh với quy mô ngành chế biến khoáng sản của Trung Quốc. Theo ước tính, chi phí xây dựng một nhà máy chế biến khoáng sản ở Trung Quốc chỉ bằng một phần ba ở Mỹ.
Vị thế thống trị của Trung Quốc được củng cố trong vài năm qua. Sáu nhà máy hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tinh chế coban, nguyên liệu cần thiết cho sản xuất thiết bị quốc phòng và pin, đều nằm ở Trung Quốc. Thị phần của nước này trong ngành chế biến coban toàn cầu tăng từ 65% năm 2018 lên 83% năm 2024, theo công ty kinh doanh coban Darton Commodities.
Các công ty Trung Quốc hiện cũng thống trị về chế biến niken sau khi xây dựng các nhà máy lớn ở Indonesia, nơi đứng đầu thế giới về khai thác loại khoáng sản này.
Chính quyền ông Trump gần đây thừa nhận rằng năng lực tinh chế đồng của Mỹ đã tụt hậu so với Trung Quốc, đồng thời yêu cầu điều tra về những mối đe dọa với an ninh quốc gia từ việc nhập khẩu nguyên liệu.
Dưới thời tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cấp hàng trăm triệu USD cho các công ty ở nước này để tăng cường chế biến khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, nhiều dự án vấp trở ngại vì các quy định cấp phép và bảo vệ môi trường, cũng như khó khăn trong cạnh tranh với khoáng sản giá rẻ của Trung Quốc.
Một nhà máy chế biến niken từng dự kiến xây dựng ở bang Minnesota, gần mỏ niken đang phát triển, nhưng đã phải chuyển tới Bắc Dakota do những phản đối của dư luận địa phương về tác động tới môi trường.
Dù chính phủ Mỹ năm 2022 cam kết đầu tư 114 triệu USD để đưa nhà máy ở Bắc Dakota vào hoạt động, cả nhà máy này và mỏ khai thác ở Minnesota đều chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, sản lượng niken tăng ở Indonesia đã khiến giá kim loại này giảm, gây tổn hại cho triển vọng phát triển các dự án mới ở Mỹ.
Người phát ngôn của Talon Metals, công ty chịu trách nhiệm phát triển mỏ và nhà máy chế biến niken ở Mỹ, nói rằng cả hai dự án đều đang trong quá trình cấp phép và hy vọng sắc lệnh mới của Tổng thống Trump sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.

Máy móc hoạt động tại mỏ khai thác đất hiếm ở Mountain Pass, California, Mỹ hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters
Trọng tâm của chính phủ Mỹ gần đây là đất hiếm, nguyên liệu cần thiết để sản xuất tiêm kích F-35, máy bay không người lái và tàu ngầm hạt nhân. Trong 5 năm qua, Mỹ đã công bố các khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD để xây dựng các nhà máy chế biến đất hiếm và sản xuất nam châm đất hiếm.
Lầu Năm Góc năm 2023 đầu tư cho công ty Lynas Rare Earths của Australia 258 triệu USD để xây dựng cơ sở chế biến đất hiếm ở Texas. Nhưng gần hai năm sau, dự án vẫn chưa khởi công, một phần do vấn đề cấp phép về xử lý nước thải. Lynas Rare Earths có thể sẽ phải thiết kế lại nhà máy để đảm bảo được cấp phép.
MP Materials, công ty ở Las Vegas vận hành mỏ Mountain Pass từ năm 2017, đang nỗ lực thoát phụ thuộc vào quá trình chế biến của Trung Quốc. Trong vài năm qua, công ty đã xây dựng các cơ sở chế biến, gồm một nhà máy do Lầu Năm Góc hỗ trợ để sàng lọc khoáng chất giá trị sử dụng trong nam châm.
Hồi tháng 1, công ty cho biết đã bắt đầu sản xuất thương mại kim loại đất hiếm. Mục tiêu tiếp theo của họ là sản xuất nam châm đất hiếm ở quy mô thương mại. MP Materials hy vọng hoàn thành mục tiêu vào cuối năm nay để bắt đầu cung cấp nam châm cho General Motors theo thỏa thuận hợp tác.
Dù hai phần ba quặng đất hiếm của công ty vẫn được gửi tới Trung Quốc, MP Materials đang tăng cường năng lực sản xuất tại Mỹ, theo giới quan sát.
"Đây không chỉ đơn giản là khoáng sản, mà là vũ khí chiến lược. Bất kỳ ai sở hữu nhiều đất hiếm sẽ đồng nghĩa kiểm soát công nghệ hàng đầu", Zhang Min, chuyên gia thương mại quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói.
Thùy Lâm (Theo WSJ, Newsweek)