"Châu Phi sẽ kiến tạo tương lai, không chỉ là tương lai với người dân khu vực, mà là của thế giới", Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá khi thông báo về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi diễn ra tại Washington ngày 13-15/12. Sự kiện quy tụ 49 lãnh đạo các nước châu Phi, nơi họ cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về loạt biện pháp tăng cường quan hệ giữa Washington và khu vực.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ - Phi trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden hôm 14/12 cam kết Mỹ sẵn sàng "dốc sức đầu tư cho tương lai" của châu lục.
Lần gần nhất một tổng thống Mỹ mời các lãnh đạo châu Phi đến Washington dự hội nghị thượng đỉnh là năm 2014, trong nhiệm kỳ của Barack Obama. Trong 8 năm qua, Mỹ trải qua nhiều biến động trên chính trường trong nước và có dấu hiệu chậm chân trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở châu Phi, trong khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức ảnh hưởng tại khu vực, theo giới chuyên gia.
"Lời mời các nguyên thủ châu Phi đến Washington không đồng nghĩa Mỹ có cơ hội hoàn thành các mục tiêu mà họ đề ra", Gustavo de Carvalho, nghiên cứu viên cấp cao về quản trị và ngoại giao châu Phi, thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi (SAIIA), nhận định.

Tổng thống Joe Biden phát biểu vào ngày 14/12 tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi ở Washington. Ảnh: AFP.
Mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh tuần này tại Washington, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, là củng cố chính sách tiếp cận kinh tế, thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực, bên cạnh một số mục tiêu khác về phát triển.
Tổng thống Biden nhấn mạnh Washington muốn xây dựng quan hệ đối tác, chia sẻ thành công và cơ hội, "chứ không phải ràng buộc chính trị và tăng lệ thuộc" của châu Phi. Giới quan sát đánh giá thông điệp của lãnh đạo Mỹ ám chỉ đến các dự án đầu tư hạ tầng và khai thác tài nguyên mà Trung Quốc đưa ra cho các nước châu Phi thời gian qua, vốn gặp nhiều hoài nghi về tính bền vững và mức đánh đổi lớn.
"Khi châu Phi thành công, nước Mỹ cũng thành công. Cả thế giới sẽ thành công", ông Biden nói.
Theo Cameron Hudson, thành viên cấp cao Chương trình châu Phi tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ đang trong thế "đuổi theo những cường quốc khác" trên bàn cờ chiến lược châu Phi.
Hudson cho rằng Trung Quốc tiếp cận với châu Phi bằng những ưu tiên cụ thể, như các thỏa thuận kinh doanh hay thương vụ bán vũ khí. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố "đầu tư toàn diện" cho châu Phi, nhưng chưa cho thấy họ quan tâm đến một lĩnh vực cụ thể nào.
"Người châu Phi rất quan tâm đến phát triển kinh tế, và Trung Quốc là bên tạo ấn tượng nhất với họ bằng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, còn Mỹ ở đâu trong lĩnh vực này?", Hudson đặt câu hỏi. "Hầu như chẳng ai từng nghe về Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ ở châu Phi".
Gustavo de Carvalho cũng cho rằng sự quan tâm từ chính quyền Biden dành cho khu vực đang tạo ấn tượng siêu cường này xem châu Phi như một sàn đấu địa chính trị mà không nhận ra những lợi ích thực chất. Ông đánh giá nếu Mỹ ưu tiên mục đích đối trọng Trung Quốc trong các sáng kiến của mình, Washington sẽ khó xây dựng được mối quan hệ hiệu quả với châu Phi.
Chính phủ Mỹ đã vạch kế hoạch đầu tư hơn 55 tỷ USD cho toàn châu lục, đồng thời cam kết xây dựng các thỏa thuận thương mại với tổng giá trị có thể đạt hơn 15 tỷ USD. Tuy nhiên, ngoài đầu tư, Mỹ còn mong muốn châu Phi thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh yếu tố quản trị hiệu quả mang ý nghĩa quyết định đến thương mại.
Các chuyên gia nhận định những mục tiêu dài hạn mà Mỹ hướng đến, cũng như tính toán địa chính trị vĩ mô trong cạnh tranh cường quốc, thiếu thực tế với nhu cầu cấp thiết của châu Phi.
Một ví dụ điển hình là mục tiêu thúc đẩy phát triển cho châu Phi kết hợp với chống biến đổi khí hậu, được chính quyền Biden đề ra tại hội nghị thượng đỉnh.
Những cánh rừng mưa nhiệt đới tại Congo được đánh giá là thành tố quan trọng trong tầm nhìn này, giúp thế giới hấp thụ khí thải carbon. Tuy nhiên, chính phủ Congo lại chủ trương nhượng lại phần lớn diện tích rừng cho các doanh nghiệp khai thác dầu mỏ và khí đốt, với lập luận rằng người nghèo cần thu nhập tức thì để giải quyết nhu cầu cấp bách của họ.
Trong khi phần lớn người dân châu Phi vẫn vật lộn với câu chuyện cơm áo gạo tiền mỗi ngày, câu chuyện chống biến đổi khí hậu, giải cứu Trái Đất trở nên quá xa vời. Theo Gustavo de Carvalho, quan điểm của đa số quốc gia châu Phi là các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, đã gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và họ phải chịu trách nhiệm một cách sòng phẳng.
"Các nước châu Phi đòi hỏi công bằng trên nhiều vấn đề, trong đó có bồi thường thỏa đáng thiệt hại về môi trường. Mỹ không thể chỉ tạo áp lực cho các nước châu Phi, mà phải cùng đi tìm giải pháp chung cho khủng hoảng môi trường", ông nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung - Phi ở Bắc Kinh vào tháng 9/2018. Ảnh: AFP.
Giancarlo Elia Valori, chuyên gia quan hệ quốc tế người Italy, làm việc tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc thời gian qua đã có nhiều chính sách đánh đúng vào nhu cầu cấp thiết của châu Phi.
Theo báo cáo năm 2022 của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) tại Mỹ, Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2018 đã cho các nước châu Phi vay khoảng 126 tỷ USD, còn tổng giá trị đầu tư trực tiếp (FDI) là 41 tỷ USD. Phần lớn dòng tiền hướng vào đầu tư phát triển hạ tầng và khai thác tài nguyên. Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát toàn cầu, Trung Quốc cũng là nước đi đầu trong hỗ trợ vaccine, trang thiết bị y tế lẫn viện trợ kinh tế cho châu lục.
"Khi hợp tác với châu Phi, Trung Quốc luôn chủ trương tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và không can thiệp nội bộ. Những nguyên tắc này thể hiện với các nước châu Phi rằng Trung Quốc tin tưởng họ có thể tự chọn con đường phát triển phù hợp", ông viết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần này cảnh báo các lãnh đạo châu Phi rằng Nga và Trung Quốc đang "tạo ra bất ổn" ở châu lục, đặc biệt là những đại dự án do Trung Quốc rót vốn nhưng thiếu tính minh bạch. Giới chức Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại các dự án đầu tư thiếu giám sát từ Trung Quốc sẽ khiến vấn nạn tham nhũng tại các nước châu Phi thêm trầm trọng và cản trở phát triển xã hội.
Tuy nhiên, Giancarlo Elia Valori cho rằng cách vận động chính sách mang màu sắc "bài xích Trung Quốc" của giới chức Mỹ sẽ khó thuyết phục được các lãnh đạo châu Phi, đặc biệt khi châu lục cần những giải pháp tăng tốc phát triển và nâng cao mức sống nhanh chóng cho người dân.
"Chính quyền Biden cần nhận ra rằng Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận với châu lục. Mỹ phải thuyết phục được các lãnh đạo châu Phi rằng Washington đã sẵn sàng hợp tác với châu lục một cách công bằng", Hudson nhận định.
Thanh Danh (Theo Le Monde, Fox News, FPRI, Israel Defence)