Lính Mỹ tập nạp đạn cho hệ thống VLS Mark 41
Hải quân Mỹ đang tìm cách khôi phục khả năng tái nạp đạn trên biển cho hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) Mark 41 của tàu chiến. Đây là yếu tố có thể thay đổi đáng kể khả năng hậu cần trong tình huống giao tranh cường độ cao với các đối thủ ngang ngửa như Nga và Trung Quốc, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho biết hải quân Mỹ đã sử dụng hệ thống Mark 41 để khai hỏa tên lửa dẫn đường trong hàng chục năm qua. Trước đó, các quả đạn được chứa trong kho dưới boong tàu và chỉ được nạp lên dàn phóng theo loạt một hoặc hai quả cùng lúc. Điều này kéo dài thời gian giữa mỗi loạt bắn, khiến tàu chiến không thể tạo màn hỏa lực hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu dàn phóng bị hư hỏng, tàu sẽ mất hoàn toàn khả năng chiến đấu.
Để khắc phục, hải quân Mỹ phát triển hệ thống Mark 41, kết hợp ống phóng và băng chuyền đạn vào một bệ phóng tên lửa thống nhất, được đặt trong một khối hộp bọc thép. Việc hỏng hóc sẽ chỉ ảnh hưởng tới một ống phóng tên lửa, trong khi cụm Mark 41 trên một tàu khu trục lớp Arleigh Burke có thể mang 90-96 ống.
Kể từ khi bắt đầu vận hành trên tuần dương hạm USS Bunker Hill vào năm 1986, Mark 41 và biến thể mới Mark 57 đã trở thành hệ thống hỏa lực chính trên hạm đội tàu mặt nước của Mỹ. Nước này cũng phát triển hệ thống Mark 45 để trang bị cho tàu ngầm.
Hệ thống Mark 41 tương thích với nhiều loại vũ khí trong biên chế hải quân Mỹ, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống ngầm VL-ASROC, tên lửa phòng không tầm xa SM-2, SM-3 và SM-6. Ngoài ra, mỗi ống phóng của Mark 41 có thể chứa tới 4 tên lửa phòng không RIM-162 ESSM có tầm bắn 50 km.
Điều này cho phép mỗi tàu mang được cả tên lửa phòng thủ và tấn công tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau khi hệ thống VLS sử dụng hết tên lửa, các tàu chiến phải rút lui về cảng đồng minh để nạp đạn. Đây là một điểm yếu nghiêm trọng, đặc biệt trong kịch bản giao tranh cường độ cao.
Hồi tháng 4, sau khi tham gia phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Shayrat của Syria, tàu khu trục USS Porter phải rời Địa Trung Hải để tới nạp đạn ở cảng Rota, Tây Ban Nha, trước khi trở lại làm nhiệm vụ tuần tra.
Chuyên gia Mizokami khẳng định việc nạp đạn trên biển cho bệ Mark 41 là rất khó khăn. Khi mới được trang bị, hệ thống này vẫn có thể nạp các tên lửa nhẹ vào ống phóng ngay trên biển. Nhưng khả năng này đã bị loại bỏ sau Chiến tranh Lạnh, do ảo tưởng chiến lược rằng Mỹ sẽ không bao giờ có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đủ sức thách thức sự thống trị đại dương của họ.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga buộc hải quân Mỹ thay đổi, tìm cách nạp tên lửa tại chỗ cho hạm đội tàu chiến. Việc điều tàu đến cảng cách đó hàng nghìn km để nạp đạn khiến chúng vắng mặt ở thời khắc quan trọng, trong khi các căn cứ tiếp liệu dễ trở thành mục tiêu tấn công.
Chuyên gia Hunter Stires thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ (CNI) cho biết nước này đang xem xét các giải pháp giải quyết vấn đề này. Một trong số đó là tàu chiến và tàu hậu cần hội quân ở trên biển, sau đó nạp đạn trong quá trình cơ động. Giải pháp thứ hai là tiếp đạn trong cảng nằm sát vùng chiến sự, dưới sự bảo vệ của lực lượng đồng minh.
Nghiên cứu của Cơ quan đánh giá ngân sách và chiến lược Mỹ (CBSA) đề xuất đóng một tàu chuyên nạp đạn cho chiến hạm mang bệ phóng VLS. Điều này có thể khắc phục lỗ hổng nghiêm trọng trong lực lượng hậu cần hải quân Mỹ, sau khi loại bỏ chức năng tiếp đạn cho toàn bộ biên đội khu trục hạm trong thập niên 1990, chuyên gia Mizokami kết luận.
Duy Sơn