Cơ quan Nghiên cứu các dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm cách hồi sinh dự án mang tên "Assault Breaker", kế hoạch tác chiến đường không ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm chặn đứng một cuộc tấn công bằng lực lượng tăng thiết giáp áp đảo của Liên Xô vào Tây Âu. Đây dường như là động thái nhằm đối phó với "các mối đe dọa đang nổi lên" từ Nga và Trung Quốc, Aviation Week đưa tin.
"Kế hoạch Assault Breaker nguyên bản yêu cầu triển khai máy bay do thám và tên lửa tầm xa để tung đòn hủy diệt vào đội hình thiết giáp đang di chuyển ở hậu phương, nằm sâu trong lãnh thổ địch để vô hiệu hóa mũi tấn công vào Tây Đức, bảo đảm ưu thế tuyệt đối của NATO khi nổ ra chiến tranh", chuyên gia giấu tên tại DARPA tiết lộ.
Phiên bản "Assault Breaker II" sẽ áp dụng khái niệm tương tự, nhưng tận dụng các hệ thống cảm biến tầm xa và máy bay mang bom, tên lửa thông minh để tiêu diệt lực lượng tăng thiết giáp đối phương. "Thử thách lớn nhất hiện nay là các vũ khí ngày càng hiện đại của đối phương, cho phép họ duy trì khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), ngăn Mỹ thực hiện các đòn đánh trong kế hoạch", chuyên gia giấu tên nói thêm.
Phát ngôn viên DARPA cho biết Assault Breaker II là khái niệm chung, mô tả các chương trình quốc phòng của Lầu Năm Góc nhằm giải quyết khoảng trống trong năng lực tác chiến, cũng như phương thức đối phó với những mối đe dọa mới.
"Assault Breaker II được thiết kế để tung đòn phủ đầu chỉ trong vài giờ, buộc đối phương ngừng đà tiến quân và tạo điều kiện cho lực lượng thông thường triển khai tới vùng chiến", Ủy ban Khoa học Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc công bố báo cáo cho hay.
DARPA dự kiến gửi đề xuất cấp ngân sách cho dự án Assault Breaker II tới quốc hội Mỹ vào cuối tháng này. Nếu được thông qua, Lầu Năm Góc hy vọng nó sẽ được áp dụng trong vòng 10 năm tới, do phần lớn vũ khí cần thiết trong chương trình đều đã được biên chế.