Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) hôm 7/1 thông báo quả bom cuối cùng trong dự án chế tạo bom hạt nhân chiến thuật B61-12 đã được xuất xưởng cuối tháng trước, hơn 3 năm sau khi sản phẩm đầu tiên được bàn giao cho không quân Mỹ.
Sự kiện này cũng đánh dấu kết thúc dự án B61-12 được Mỹ khởi động từ năm 2008 với tổng chi phí khoảng 9 tỷ USD. "Hoàn thành chương trình đúng thời hạn cho thấy chúng tôi đã cung cấp vũ khí theo tiến độ và quy mô mà các đối tác tại Bộ Quốc phòng đặt ra, cũng như đáp ứng các yêu cầu về năng lực răn đe", giám đốc NNSA Jill Hruby cho biết.
NNAS cũng tuyên bố sẽ chuyển sang sản xuất bom B61-13 sau khi đã hoàn thành dự án B61-12. Phiên bản B61-13 được công bố hồi tháng 12/2023, có sức công phá tương đương khoảng 360.000 tấn thuốc nổ TNT, lớn hơn đáng kể so với dòng B61-12.
Mỹ không chế tạo thêm đầu đạn hạt nhân cho dòng B61-12, mà tái sử dụng đầu đạn trên những quả bom đời cũ và trang bị hệ thống dẫn đường mới cho chúng.
Bom hạt nhân chiến thuật B61-12 có thể trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, mang đầu đạn mạnh tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT. Kích thước của nó đủ nhỏ để nằm gọn trong khoang vũ khí trong thân tiêm kích tàng hình F-35A. Bom B61-12 được coi là vũ khí nguy hiểm nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, do có độ chính xác và tính tùy biến cao.
Mỗi quả bom B61-12 hoàn chỉnh nặng 320 kg và có giá 28 triệu USD, đắt hơn khối vàng ròng có cùng trọng lượng.
Hiện máy bay F-15E, F-35A, B-2, F-16 Mỹ và PA-200 Tornado của Đức đã được chứng nhận đủ điều kiện vận hành bom B61-12. NNSA đang xúc tiến cấp chứng nhận sử dụng loại bom này cho phi đội PA-200 Tornado của Italy và oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider đang được Mỹ phát triển.
Phạm Giang (Theo Breaking Defense, War Zone)