Tổng thống Trump ngày 1/10 tuyên bố Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi mà Mỹ vừa đạt được với Mexico và Canada sẽ đổ "tiền mặt và việc làm" vào Mỹ. Hiệp ước cho phép nông dân Mỹ tiếp cận nhiều hơn thị trường các sản phẩm từ sữa tại Canada, đồng thời giải quyết mối lo về thuế nhập khẩu ôtô. Tuy nhiên, tầm quan trọng của NAFTA mới có thể không phải là các chi tiết của thỏa thuận, mà là tín hiệu nó gửi đi rằng Trump đang bày ra nhiều mặt trận để chống lại đối thủ duy nhất: Trung Quốc.
Một điều khoản mới của NAFTA nói rằng nếu bất kỳ quốc gia nào đạt thỏa thuận thương mại tự do với một "nền kinh tế phi thị trường" - ám chỉ Trung Quốc thì các bên còn lại có thể rút khỏi hiệp ước.
Mỹ đã áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tương đương một nửa số hàng nhập khẩu của họ vào Mỹ. Trump làm rõ tại cuộc họp báo ngày 1/10 rằng ông tiếp tục coi thuế quan là một phần quan trọng trong kho vũ khí thương mại của Mỹ.
Quan chức thương mại Mỹ thường xuyên họp với các quan chức Liên minh châu Âu và Nhật Bản để xây dựng một chiến lược chung nhằm đối phó với Trung Quốc. Tuy cuộc đàm phán vẫn chưa tạo ra một chiến lược thống nhất, chúng nhằm báo hiệu cho Bắc Kinh thấy rằng họ sẽ rất khó chia rẽ được ba đối tác thương mại chính của mình.
"Chúng ta đang gửi đến cho Trung Quốc một thông điệp", Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow nói. "Họ sẽ không thể phá vỡ được liên minh".
Tuần trước, Trump ký một thỏa thuận thương mại sửa đổi với Tổng thống Hàn Moon Jae-in. Ông và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng nhất trí bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận giữa hai nước sau nhiều tháng Tokyo khước từ.
"Cuối cùng, họ đã cùng nhau hành động và quyết định rằng họ không thể chiến thắng tất cả các cuộc chiến, vì thế họ đã điều đình với nhau và tập trung vào Trung Quốc", Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đánh giá. "Họ chuẩn bị cho trận chiến khổng lồ với Trung Quốc".
Một số điều khoản của NAFTA cho thấy những điều Mỹ muốn về các giao dịch thương mại với Trung Quốc hoặc các quốc gia khác. Chẳng hạn, ba quốc gia đồng ý "tránh thao túng tỷ giá hối đoái hoặc hệ thống tiền tệ quốc tế". Những bất đồng sẽ được chuyển đến một ban giải quyết tranh chấp.
Cuộc đấu kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang các lĩnh vực khác. Cuối tuần này, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến có bài phát biểu nhấn mạnh điều mà Mỹ tuyên bố là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào chính trị Mỹ và bầu cử giữa kỳ sắp tới. Các cuộc đàm phán an ninh giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và người đồng nghiệm Trung Quốc đã bị hủy bỏ.
Michael Pillsbury, học giả chuyên về Trung Quốc tại Viện Hudson, người thường xuyên tư vấn cho Nhà Trắng, so sánh chiến lược của Trump với cờ vây. "Khi bạn bị bao vây, bạn sẽ thấy đến lúc phải nhượng bộ", Pillsbury nói.
Hiện chưa có đàm phán chính thức giữa Mỹ với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng. Tại cuộc họp báo ngày 1/10, Trump nói rằng chưa đến thời gian chín muồi để đàm phán và tiếp tục đe dọa áp thêm thuế với hàng Trung Quốc.
Các bên trung gian vẫn tiếp tục thúc đẩy đàm phán giữa hai quốc gia. Học giả Pillsbury đã gặp gỡ Vương Huy Diệu, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá – trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh được xem là gần gũi với đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại một cuộc họp gần đây ở Viện Hudson, Vương đã đưa ra một loạt gợi ý để chấm dứt cuộc chiến thương mại, bao gồm việc Trung Quốc cam kết mua thêm 70 tỷ USD hàng hóa Mỹ, khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc mua nhiều hàng hóa Mỹ trực tuyến hơn và cho phép các công ty nước ngoài có nhiều vai trò hơn trong nỗ lực phát triển công nghệ lớn của Trung Quốc, được gọi là "Made in China 2025".
Đề xuất của Vương "mang tính xây dựng", Pillsbury bình luận. "Nhưng chúng không đủ để khiến Mỹ thỏa mãn".
Phương Vũ