Động thái ưu tiên thị trường Mỹ của nhà sản xuất Gilead đã tạo ra cuộc tranh luận toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng điều này là thiếu công bằng, số khác lo ngại về tình trạng khan hiếm thuốc tại các khu vực nơi tỷ lệ nhiễm nCoV còn cao, hoặc có đợt bùng phát mới.
Anh và Đức cho biết kho dự trữ quốc gia hiện có đủ lượng remdesivir điều trị cho người dân, song bắt đầu cân nhắc những lựa chọn khác, bởi số thuốc này có thể cạn kiệt trong tương lai. Liên minh châu Âu (EU) phải đàm phán để có đủ liều tiêm cho 27 quốc gia thành viên.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang tiến hành công đoạn phân phối và lên kế hoạch mua vào trong tháng 8.
Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ (HHS) cho biết nước này đã đảm bảo đủ lượng remdesivir cho tháng 7, tích trữ 90% nguồn hàng tới tháng 8 và tháng 9, bên cạnh cung cấp thuốc cho các thử nghiệm lâm sàng.
Kể từ khi được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhu cầu với remdesivir rất cao. Thuốc giúp rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh nhân, được cho là hiệu quả hơn so với các phương pháp khác như steroid, nếu dùng sớm.
Theo ông Ohid Yaqub, giảng viên cao cấp, Đơn vị Nghiên cứu Chính sách Khoa học, Đại học Sussex, Anh: "Động thái thu mua remdesivir thật đáng thất vọng. Có thể điều này chưa gây ra tình trạng thiếu hụt đối với các quốc gia khác, song nó báo hiệu rõ ràng thái độ không hợp tác (của Mỹ) đối với quốc tế, sự thờ ơ với quyền sở hữu trí tuệ và thỏa thuận toàn cầu".
Trong phiên họp Quốc hội ngày 1/7, ông Jonathan Stafford Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Cơ quan Y tế Anh, cho biết nguồn cung của loại thuốc mới như remdesivir thường khan hiếm hơn so với các sản phẩm sẵn có, chẳng hạn thuốc steroid dexamethasone.
Trước đó, Bộ Y tế Đức thông báo đơn xin cấp phép lưu hành của Gilead gửi Ủy ban châu Âu trong tuần này có điều khoản công ty sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cho khu vực trong tương lai.
Thực tế, chuyện các nước lớn bỏ hàng tỷ USD để đạt được thỏa thuận ưu tiên với hãng dược không phải điều xa lạ giữa đại dịch. Chính phủ Mỹ đã tài trợ 1,2 tỷ USD cho vaccine của Đại học Oxford và AstraZeneca. Đổi lại, hãng sẽ cung cấp trước 300 triệu liều cho quốc gia ngay khi sản phẩm được phê duyệt. Đầu tháng 6, Pháp, Đức, Italy và Hà Lan thành lập Liên minh Vaccine nhằm thúc đẩy quá trình phát triển "ứng viên" từ Oxford, đồng thời "giữ chỗ" trước 400 liều vaccine với giá cả phải chăng.
Hành động này khiến nhiều chuyên gia y tế công cộng lo ngại các nước thu nhập thấp sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19. Việc thu mua remdesivir của Mỹ tạo ra nhiều áp lực đối với chuỗi cung ứng, khiến nhà sản xuất Gilead phải đẩy nhanh tiến độ để bắt kịp nhu cầu sử dụng.
Thục Linh (Theo Reuters)