Hôm 9/4, trong cuộc họp bất thường của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+), các nước đã đề xuất giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần sự đồng ý của Mexico – quốc gia duy nhất chưa chấp thuận sau hơn 9 giờ họp.
Theo đề xuất, các nước cần cắt giảm 23% sản lượng, tương đương 400.000 thùng dầu với Mexico, Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocío Nahle cho biết nước này chỉ có thể giảm 100.000 thùng. OPEC+ về sau hạ mục tiêu xuống 350.000 thùng, nhưng Mexico vẫn chưa đồng ý.
Hôm qua (10/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ giảm sản xuất 250.000 thùng dầu thay phần của Mexico để nước này tham gia thỏa thuận của OPEC+. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Trump cho biết đã nói chuyện với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador về việc này và chấp thuận giúp. Trump không nói rõ sẽ làm việc này như thế nào và chỉ khẳng định Mexico sẽ hoàn trả cho Mỹ sau.
"Chúng ta sẽ bù vào phần còn thiếu", ông nói, "Mà hiện tại, sản xuất tại Mỹ cũng đang giảm rồi".
Trump đến nay vẫn rất tích cực xoa dịu căng thẳng giữa Saudi Arabia và Nga, sau khi hai nước châm ngòi cuộc chiến giá dầu hồi tháng 3. Cuộc họp của OPEC+ hôm 9/4 cũng được tổ chức sau khi Trump tuyên bố đã nói chuyện với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Mohammed bin Salman, kỳ vọng họ công bố thỏa thuận cắt giảm 10-15 triệu thùng mỗi ngày.
Trump đến nay chưa đưa ra cam kết nào về việc giảm sản xuất tại Mỹ. Ông chỉ khẳng định tình hình thị trường sẽ buộc sản xuất đi xuống theo cách tự nhiên.
Hôm qua, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette nhắc lại quan điểm này. Ông dự báo đến cuối năm nay, sản xuất dầu thô tại Mỹ sẽ giảm 2 triệu thùng, thậm chí 3 triệu một ngày.
Thỏa thuận hôm 9/4 của OPEC+ không ràng buộc các nước ngoài liên minh này giảm sản xuất. Họ chỉ kỳ vọng các nước khác có động thái tương tự.
Dù vậy, hôm qua (10/4), cuộc họp của bộ trưởng năng lượng các nước G20 đã kết thúc mà không có một con số cắt giảm sản xuất cụ thể nào được đưa ra. Thông cáo báo chí sau cuộc họp chỉ cho biết: "Để củng cố đà phục hồi kinh tế toàn cầu và bảo vệ thị trường năng lượng các nước, chúng tôi cam kết hợp tác để đưa ra các phản ứng chính sách. Chúng tôi ghi nhận cam kết của một số nước trong việc bình ổn thị trường năng lượng". G20 cũng đồng ý lập một nhóm giám sát nỗ lực giảm sản xuất của các nước thành viên.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết ông hy vọng các nước ngoài liên minh cắt giảm 5 triệu thùng. Đại dịch đang khiến nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm đến 30 triệu thùng mỗi ngày, đẩy giá dầu xuống thấp nhất gần 2 thập kỷ.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)